Monday, May 7, 2012

Tản mạn chuyện Xây dựng(91)

Đô thị vệ tinh trên giấy, cao ốc lấp đầy trung tâm
SGTT.VN - Bốn khu đô thị vệ tinh của TP.HCM được quy hoạch cách đây gần mười năm, với mục đích giãn dân, là một trong những giải pháp lý tưởng cho việc giảm tải khu vực nội thành. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, đến nay, hầu hết những khu đô thị này vẫn chưa ló dạng. Trong khi đó, ở khu vực trung tâm, những toà nhà cao tầng vẫn đua nhau mọc lên. Sự tréo ngoe này khiến người ta nghi ngờ những giải pháp giảm ùn tắc giao thông gần đây chỉ là giải pháp tình thế.
Độ nén đến nghẹt thở
Từ năm 2008 đến nay có khoảng 130 dự án cao ốc được cấp phép, trong đó có đến hơn 70 dự án nằm ở lõi khu vực trung tâm. Ảnh: Hồng Thái
Chỉ có hơn 5.000m2, nằm lọt thỏm trong khu vực vốn đã đông đúc ở trung tâm quận 1, nhưng cao ốc Bitexco được xây cao đến 68 tầng. Theo quảng cáo, toà nhà sẽ cung ứng cho thị trường trên 38.000m2 diện tích văn phòng hạng A+ theo tiêu chuẩn quốc tế và trên 8.000m2 diện tích của sáu tầng dành cho khu trung tâm thương mại, đáp ứng nhu cầu làm việc của gần 10.000 người trong toà nhà.
Thử hình dung, một khi toà nhà này được khai thác hết công năng thì đường sá, không gian nào đủ cho số lượng người như vậy ra vào toà nhà này hàng ngày? Có người nói đùa, Bitexco cần làm cầu vượt nối toà cao ốc này ra sông Sài Gòn để những người làm việc ở đây đi bằng đường sông, tránh bị kẹt ở khu trung tâm.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của công ty Savill Việt Nam về thị trường căn hộ tại TP.HCM cho thấy, chỉ trong quý 3/2011, tại khu vực nội thành TP.HCM có khoảng 60 dự án căn hộ dịch vụ, cung cấp 3.200 căn, tăng 2% so với quý trước và 9% so với cùng kỳ năm trước. Quận 1 chiếm thị phần cao nhất về số căn hộ với 48% tổng nguồn cung do có vị trí tốt nhất trong thành phố. Nếu nhân lên cho mấy năm nay thì con số về căn hộ ra đời tại khu vực trung tâm là hàng chục ngàn. Và theo dự báo của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, trong thời gian tới, quận 1 tiếp tục là quận dẫn đầu về nguồn cung căn hộ dịch vụ.
Theo thống kê của sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2008 đến nay có khoảng 130 dự án cao ốc được cấp phép, trong đó có đến hơn 70 dự án nằm ở lõi khu vực trung tâm.
Dự án tiếp nối dự án
Đường Nguyễn Đình Chiểu vốn là đường nhỏ hẹp, xe cộ hiện nay chỉ cho chạy một chiều. Tuy nhiên, một dự án mang tên cao ốc C.T Plaza với chiều cao 24 tầng sẽ xuất hiện trong nay mai. Theo giới thiệu, cao ốc này chủ yếu dành làm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cộng thêm 200 căn hộ cao cấp… Người ta không hình dung nổi đường Nguyễn Đình Chiểu sẽ ra sao khi cả ngàn người đổ dồn về đây cùng lúc?
Tại các đô thị của nước ta, tuy tập trung xây dựng các cao ốc nhưng vẫn sử dụng hệ thống giao thông hiện hữu của thành phố, là không hợp lý, và tắc đường, kẹt xe là điều tất yếu. Ảnh: L.H.T
Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM đã trình UBND thành phố danh sách 60 khu đất vàng dự kiến đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới. Đa phần là các dự án xây dựng khách sạn, khu trung tâm thương mại và căn hộ… Theo nhiều chuyên gia dự báo, nếu tất cả các khu đất này có chủ đầu tư thì chỉ nay mai, lượng người và xe di chuyển vào trung tâm thành phố sẽ càng trở nên đông đáng sợ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các dự án chỉnh trang cải tạo những khu nhà ở thấp tầng thành cao tầng đều được các chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng thành khu thương mại, dịch vụ, văn phòng. Do vậy, số người làm việc tại khu vực này ngày càng tăng cao.
Quan điểm của ông Nguyễn Trọng Hoà, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM là: việc xây dựng các cao ốc là một hệ quả tất yếu của một quá trình phát triển đô thị. Ví như, muốn hết ngập, chúng ta phải chịu cực khổ, chịu bực mình về đào đường. Muốn có một đô thị lớn, một trung tâm kinh tế văn hoá thì phải có những cao ốc mọc lên. Quan trọng là chúng ta phải biết chịu cực trước mắt để nhìn về cái lâu dài. Trong thời gian qua, nếu các sở ngành không cho xây dựng nhà cao tầng ở những vị trí lõi trung tâm thì chúng ta cấp phép cho xây ở đâu? Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì chưa hoàn thành, các khu đô thị vệ tinh khác thì mới hình thành trên giấy.
Theo ông Hoà, nói như vậy, không có nghĩa là cứ phát triển xây dựng nhà cao tầng tràn lan cũng là một đô thị. Quan trọng là xây dựng nhà cao tầng thường gắn liền với hệ thống giao thông. Trong bản thiết kế quy hoạch khu vực trung tâm 930ha thì yếu tố nhà cao tầng với đường giao thông đô thị được phối hợp một cách hài hoà. Cụ thể như, khi xây dựng một tuyến đường sắt đô thị thì sẽ có bao nhiêu nhà cao tầng mọc lên ở tuyến đường đó, khi xây dựng hai tuyến thì thêm bao nhiêu toà nhà nữa… TP.HCM cũng đang từng bước thực hiện theo quy hoạch này. Nhưng để nên hình, nên dạng thì phải chờ đợi thời gian, chờ đợi vốn để đầu tư, chờ hoàn thiện cơ chế chính sách…
Đứng về góc cạnh của một kiến trúc sư, ông Nguyễn Trường Lưu, phó chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM cũng cho rằng, trong trung tâm của một đô thị, việc tập trung xây dựng các cao ốc với các chức năng khác nhau, như cao ốc văn phòng, khách sạn, nhà ở, dịch vụ thương mại… với độ nén về mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất cao là điều tất yếu của một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, sự nén và đậm đặc các công trình cao ốc ở đây, bao giờ cũng được nghiên cứu đồng bộ với hệ thống kỹ thuật hạ tầng. Các công trình xây dựng đều được nghiên cứu tiếp cận với hệ thống giao thông công cộng như hệ thống xe buýt, tàu điện ngầm… để tiện lợi cho người dân. Còn tại các đô thị của nước ta, tuy tập trung xây dựng các cao ốc nhưng vẫn sử dụng hệ thống giao thông hiện hữu của thành phố, là không hợp lý, và tắc đường, kẹt xe là điều tất yếu.
Theo ông Lưu, đến nay, hệ thống quy hoạch chung về giao thông của thành phố chưa được nghiên cứu để phát triển đồng bộ.

Dự án quy hoạch bốn khu đô thị vệ tinh của TP.HCM
TP.HCM đến năm 2025 sẽ phát triển theo hướng đa tâm cùng các khu đô thị vệ tinh theo bốn hướng: bắc, đông, tây, nam. Ảnh: TL
Theo quy hoạch, TP.HCM đến năm 2025 sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các khu đô thị vệ tinh theo bốn hướng: bắc, đông, tây, nam.
 Khu đô thị Bắc TP.HCM: nằm gọn trên địa bàn hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, sát trục giao thông mang tính chiến lược là quốc lộ 22 kết nối TP.HCM – Tây Ninh, giáp Long An; cách trung tâm TP.HCM khoảng 40km. Giai đoạn 1 của khu đô thị Tây Bắc được quy hoạch với diện tích khoảng 6.000ha, dự kiến mở rộng lên khoảng 9.000ha ở giai đoạn 2. Đây sẽ là một trung tâm thương mại, y tế, thể dục, thể thao… cấp thành phố, với 11 phân khu chức năng như khu trung tâm công cộng, khu thương mại, dịch vụ, y tế, công nghiệp, kho bãi trung chuyển…
 Khu đô thị Đông TP.HCM: hạt nhân là khu công nghệ cao với quy mô 872ha, khu đại học Quốc gia có quy mô 800ha, công viên Văn hoá lịch sử dân tộc quy mô 395ha… Những cụm khu đô thị này khi nhìn tổng thể sẽ tạo thành khu đô thị khoa học – công nghệ ở Thủ Đức và quận 9.
 Khu đô thị Nam TP.HCM: trọng tâm là khu đô thị Nam Sài Gòn (quận 7) và khu đô thị cảng Hiệp Phước. Khu đô thị Nam Sài Gòn bao gồm quận 7 (phường Tân Phong, Tân Phú với diện tích 868ha); nam quận 8 (một phần phường 7 với diện tích 268ha); nam huyện Bình Chánh (xã An Phú Tây, Phong Phú, Bình Hưng, Hưng Long với diện tích 1.839ha). Quy mô diện tích điều chỉnh là 2.975ha tổng diện tích tự nhiên (tổng diện tích phê duyệt trước đây chỉ 2.612ha). Khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè với diện tích 3.900ha, dự kiến dân số 180.000 người (năm 2020).
Khu đô thị Tây TP.HCM: nằm gọn tại huyện Bình Chánh có diện tích khoảng 500ha. Ở khu đô thị này sẽ phát triển những cụm nhà ở, trung tâm thương mại quy mô lớn nhằm thay đổi bộ mặt đô thị tại phía tây TP.HCM.

Đô thị vệ tinh hình thành không thể bằng quyết định hành chính
SGTT.VN - Đô thị vệ tinh, thành phố vệ tinh là chuyện phổ biến và được giải quyết xong từ những năm 60 của thế kỷ trước ở các nước phát triển. Các đô thị vệ tinh là sự phân thân của các thành phố phát triển quá ngưỡng, chính những đô thị vệ tinh này là nơi chia sẻ với thành phố mẹ về sản xuất, nhân lực, hệ thống dịch vụ xã hội…
Nếu như biết tính toán thì khu vực Đông Nam bộ sẽ có một vùng đô thị hiện đại hình chữ T với một dải đô thị mới kéo dài từ chân cầu Sài Gòn, song hành với xa lộ Hà Nội đến Biên Hoà, và phần vắt ngang kéo từ Thủ Dầu Một qua Biên Hoà tới Long Thành. (Trong ảnh là một góc thành phố Biên Hoà, Đồng Nai) Ảnh: Flickr
TP.HCM đã đề cập đến mô hình đa cực phi tập trung hoá từ những năm 1998 và đến năm 2004 thì quyết định hình thành nên hai đô thị vệ tinh, một ở tây bắc thành phố thuộc huyện Củ Chi hiện nay và một ở cảng Hiệp Phước ở phía nam thành phố. Nhưng gần mười năm trôi qua, hình hài của chúng chưa thấy, dường như tất cả vẫn còn trên giấy, cho dù lãnh đạo thành phố mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc phát triển thành phố vệ tinh không thành công do nhiều nguyên nhân khác nhau. Về mặt khách quan thì đó là ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều nhà đầu tư sau khi xí phần xong nhưng sau nhiều năm không thấy động tĩnh gì, điển hình như dự án đô thị đại học Quốc tế (VIUT) ở phía tây bắc thành phố của tập đoàn Berjaya (Malaysia) được cấp giấy phép đầu tư ngày 1.7.2007 với tổng mức đầu tư 3,5 tỉ USD. Đây được coi là dự án đầu tư lớn nhất tại TP.HCM từ trước đến nay nhưng đến giờ vẫn chỉ là… dự án.
Tuy nhiên cũng cần phải thấy các địa điểm được chọn chưa hấp dẫn nhà đầu tư và người dân tụ về. Một thành phố vệ tinh xuất hiện không đơn giản chỉ là một quyết định hành chính hay một vài cò đất thổi giá trị lên mà cái chính nó phải hút được nguồn lực mạnh và có giá trị gia tăng cao, như con người, tiền bạc, tài nguyên. Hay nói một cách khác là người ta muốn đến định cư và muốn đầu tư lớn.
Từ trung tâm thành phố lên Củ Chi chừng 25km, nhưng phải mất hơn hai tiếng đi bằng xe hơi do giao thông thường xuyên ách tắc, cho nên các nhà đầu tư ngán ngại. Việc mở rộng mặt đường hiện hữu là khó khăn, nhưng sẽ dễ dàng và rẻ tiền nếu thành phố làm đường dành riêng cho xe hơi trên cao, cho các loại phương tiện giao thông nhanh như xe điện một đường ray.
Một số người cho rằng chính quyền chủ nhà chọn địa điểm, cho thuê đất còn nhà đầu tư phải làm cơ sở hạ tầng theo phương thức “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng kỹ thuật”, nhưng điều này có thể thành công ở những nơi đất đai có giá, còn vùng đất mới thì chủ nhà phải ứng trước xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện tạo ra hiệu ứng cạnh tranh, sau đó mới thu hồi lại vốn qua giá thuê đất.
Ngoài ra, do sai lầm trong quan điểm quy hoạch cho nên khu công nghiệp ô nhiễm tập trung các cơ sở được di dời từ trong nội thành ra cách nay mười năm ở xã Tân Phú Trung, chính là trung tâm của thành phố mới hiện đang là điều ngán ngại cho các nhà đầu tư. Việc tiếp tục vận động các nhà doanh nghiệp di dời đi xa hơn không có sự hỗ trợ nào đáng kể là điều không thể làm được.
Trong một hình thái tương tự, đô thị cảng Hiệp Phước cũng chưa có thay đổi gì đáng kể từ sau khi quyết định hình thành, bởi lẽ nó chưa toả ra sức hút nào đáng kể. Nếu chỉ có cảng và dịch vụ cảng thì chắc chắn dân số sẽ không thể nào đạt đến 250.000 dân như mong muốn. Những công nhân làm tại cảng và gia đình họ nhiều lắm cũng không thể quá 30.000 người. Do vậy mà phải tạo ra sức hút từ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi (có thể cả ăn chơi), dịch vụ biển thì mới hy vọng dân số gia tăng. Nhưng trong tình hình mà đâu đâu cũng nói đến nước biển dâng do biến đổi khí hậu thì việc các nhà đầu tư, người dân lưỡng lự chọn Hiệp Phước định cư không phải là điều khó hiểu.
Theo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước thì việc phát triển thành phố vệ tinh khả thi nhất là hướng về phía đông bắc của thành phố. Đây là vùng đất cao ráo, có nhiều cơ sở đã hình thành như cụm các trường đại học lớn, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, các nhà máy, đầu mối giao thông, sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển và đặc biệt nhất là nó nằm giao thoa với những vùng phát triển năng động nhất quốc gia như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Các thành phố như Biên Hoà mới, Thủ Dầu Một mở rộng, dải đô thị ở Thuận An giáp ranh TP.HCM sẽ trở thành các thành phố đối trọng chia sẻ gánh nặng với TP.HCM. Và có thể coi chúng là các đô thị vệ tinh mặc dù chúng không nằm trong cùng hệ thống quản lý hành chính, nhưng chúng đều nằm trong mạng lưới đô thị vùng Đông Nam bộ và cùng trong hệ thống nguồn lực mở (nhân lực, tài chính, thông tin, giáo dục, dịch vụ, tài nguyên…)
Cách nay hơn 15 năm, GS.KTS Lưu Thái Kơ, nhà thiết kế chính tạo nên một Singapore hiện đại đã từng nói, nếu như biết tính toán thì khu vực Đông Nam bộ sẽ có một vùng đô thị hiện đại hình chữ T với một dải đô thị mới kéo dài từ chân cầu Sài Gòn, song hành với xa lộ Hà Nội đến Biên Hoà, và phần vắt ngang kéo từ Thủ Dầu Một qua Biên Hoà tới Long Thành. Ý tưởng đó không còn hiện thực nữa vì cơ hội đã qua, nhưng việc hình thành khu đô thị vệ tinh mang tính chất vùng thì hoàn toàn trong tầm tay nếu những người lãnh đạo muốn, bởi những yếu tố hình thành nên nó hầu như đã có sẵn nay chỉ việc đầu tư tập trung, dứt điểm và quyết liệt thì chỉ năm năm nữa là sẽ có một khu đô thị vệ tinh.
TS Nguyễn Minh Hoà
Mảnh vỡ đô thị và cái giá của quy hoạch
SGTT.VN - Trong lúc các khu đô thị vệ tinh vì nhiều lý do chưa thể ló dạng, thì các khu đô thị nới rộng như quận 2, quận 9, đáng lý “gánh bớt phần nặng” cho khu trung tâm TP.HCM lại bộc lộ quá nhiều bất tiện.
Khu An Phú – An Khánh, quận 2, TP.HCM là một vùng đất rất lý tưởng. Về thế đất, nó đẹp hơn hẳn Phú Mỹ Hưng, nằm ngay sát sông Sài Gòn và cao ráo, chỉ cách trung tâm quận 1 một con sông, bước qua cầu Sài Gòn và sắp tới là hầm Thủ Thiêm là tới. Hơn thế, đây là nơi mà các trục đường lớn đi qua dẫn lên phía đông bắc nối vào các tỉnh thành phát triển năng động nhất như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận.
TP.HCM phải trở thành khu đô thị đẹp nhất nước, nhưng thực tế không gian đã bị xé nát do có quá nhiều nhà đầu tư nhưng thiếu một quy hoạch tổng thể. Ảnh: Lê Hồng Thái
Với “thiên thời, địa lợi” như thế, lẽ ra nơi đây phải trở thành khu đô thị đẹp nhất nước, có thể chia sẻ nhiều với khu trung tâm quận 1, quận 3, nhưng điểm chết của nó chính là ở chỗ có quá nhiều nhà đầu tư lớn cùng nhảy vào. Trong khi đó, chủ nhà lại thiếu một tổng thể quy hoạch nên từng đại gia mạnh ai nấy xây dựng một vài công trình tiêu biểu khẳng định thương hiệu của mình (khu vực này được mệnh danh là nơi có rất nhiều cao ốc đẹp và hiện đại bậc nhất của TP.HCM như An Khang, An Cư, An Phú, Vista, Cantavil, Estella, Hoàng Anh River và không ít biệt thự cực kỳ sang trọng). Do vậy, khi nhìn một cách tổng thể có thể thấy sự kết nối rất rời rạc, cả khu cứ như nhiều mảnh vỡ chắp vá, ít cây xanh, không công viên, không thảm xanh công cộng, không bệnh viện; đường sá không chỉ hẹp mà còn mở hướng tuyến bất hợp lý, giao cắt nhau tuỳ tiện, các dịch vụ tiện ích hầu như không đáng kể.
Một chuyện nghe khó tin nhưng là sự thật, đó là có những khu vực có cả trăm căn hộ với cả ngàn người ở nhưng chỉ có một tiệm phở bán với giá trên trời, thiếu chỗ mua sắm, ăn uống, chợ búa... Chính vì điều này mà sức hấp dẫn kém, các căn hộ trong khu vực tuy sang trọng nhưng tỷ lệ bán thấp (cho dù tung ra rất nhiều chiêu hút khách), thậm chí số người nước ngoài đến thuê căn hộ giảm đáng kể theo từng năm. Các chủ đầu tư chỉ chăm chút cho công trình của mình, còn không gian công cộng bên ngoài thì không ai muốn chăm sóc hoặc có muốn cũng không được.
Trong khi đó, so với An Phú – An Khánh thì rõ ràng Phú Mỹ Hưng không có nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng do cả khu vực chỉ có một chủ đầu tư duy nhất nên họ tạo ra một khu ở rất đồng bộ có chất lượng trên nhiều phương diện. Có lẽ chính vì điều này mà Phú Mỹ Hưng là nơi thu hút được khá nhiều người dân đến mua và thuê nhà để ở so với nơi khác, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, mãi lực giảm.
Ở khu vực trung tâm cũng không hơn gì. Trong lúc hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội bị kêu gào là quá tải, quá sức chịu đựng (trong đó có cả chính các nhà quản lý đô thị), nhưng cao ốc chọc trời vẫn không ngừng mọc lên. Giãn dân ra ngoại vi thành phố đâu không thấy chỉ thấy khu trung tâm ngày càng kẹt cứng. Và người ta lại bàn nhau đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu nạn ùn tắc giao thông theo kiểu cần hạn chế xe cá nhân, cần thu phí xe ôtô vào trung tâm để giảm kẹt xe...
Ai cũng có thể nói rằng, ở các khu dân cư phát triển mới chỉ nên có một nhà đầu tư, còn nếu có nhiều hơn thì phải thống nhất cao trong quy hoạch và thiết kế ngay từ đầu. Các nhà đầu tư phải chấp nhận các chỉ tiêu kiến trúc và quy hoạch phân khu có tính pháp lý, cũng như các quy định chế tài có tính cưỡng bức cao. Tuy nhiên, để cho các nhà đầu tư chấp nhận được phương án đề ra thì tốt nhất nên thuê một nhà quy hoạch giỏi làm quy hoạch tổng thể, dù phải trả giá rất cao.
Cần cân nhắc áp dụng mô hình một nhà đầu tư lớn – không chỉ về vốn mà còn cả kinh nghiệm phát triển đô thị – đóng vai trò dẫn dắt cuộc chơi, lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp vào cuộc, tạo ra sự đồng thuận trong quy hoạch, thiết kế, huy động nguồn lực và cả phân chia lợi ích. Nhà đầu tư chính này có thể đóng cả vai trò đại diện đàm phán với chính quyền để tránh các rắc rối pháp lý phát sinh sau này liên quan đến sở hữu, thuế… Ngược lại, ở những khu vực trọng điểm cần biết từ chối các nhà đầu tư nhỏ lẻ, tránh tư tưởng “góp gió thành bão” cho dù đang khủng hoảng kinh tế, hoặc nên tránh tâm lý sốt ruột do chưa có nhiều nhà đầu tư “hỏi thăm” để rồi ai đến mình cũng chấp nhận theo kiểu “có còn hơn không”.
Chỉ cần một vài nhà đầu tư tầm cỡ là có thể thay đổi được bộ mặt cả một khu vực rộng lớn. Nhưng làm sao để các nhà đầu tư lớn đến thì lại tuỳ thuộc vào thái độ, chính sách của giới lãnh đạo. Số phận và tương lai của bán đảo Thủ Thiêm tại TP.HCM phụ thuộc một phần lớn vào những dạng nhận thức như thế này.
TS Nguyễn Minh Hoà
Các luận chứng thiếu khả thi
LTS: Sau bài báo Đô thị vệ tinh trên giấy, cao ốc lấp đầy trung tâm trên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 14.10.2011, chúng tôi nhận được bài viết của TS Nguyễn Minh Hoà, khoa đô thị học, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn và TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC) phân tích sâu hơn nghịch lý này.
Nhìn tấm bản đồ quy hoạch xây dựng bốn khu “đô thị vệ tinh” của TP.HCM đến năm 2025 và đọc những thông số tổng quát, những người có trí tưởng tượng lạc quan nhất cũng chưa hình dung ra trong tương lai, các “vệ tinh” ấy sẽ bay theo “quỹ đạo” dự kiến và tương tác với trung tâm như thế nào? Mặt khác, những người có trí tưởng tượng thực tế hơn thì hơi bi quan vì nhiều câu hỏi chưa có lời giải thuyết phục.
Trong một không gian nhỏ, chừng này cao ốc nếu khai thác hết công năng sẽ thu hút hàng chục ngàn người dồn về đây. Phương tiện nào chuyên chở họ? Ảnh: Lê Hồng Thái
Khái niệm “đô thị vệ tinh” đã lạc hậu
Các nhà nghiên cứu phát triển đô thị đã mượn khái niệm “vệ tinh” của thiên văn học để chỉ những đô thị nhỏ có khoảng cách nhất định (về không gian và cư trú) với đô thị trung tâm nhưng nó vẫn phụ thuộc một số mặt cơ bản. Các đô thị vệ tinh phải được nối với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông công cộng quy mô lớn và nhanh (tàu tốc hành, đường cao tốc) để những người có việc làm ở trung tâm vẫn có thể cư trú ở vệ tinh – nhằm giảm áp lực dân số và mật độ cư trú ở đô thị trung tâm, đồng thời tạo khoảng xanh (giữa đô thi vệ tinh với trung tâm có thể là những khu rừng hoặc cánh đồng) để điều hoà môi trường sinh thái cho đô thị. Tuy nhiên, sau một thời gian, mô hình này đã bộc lộ nhược điểm là còn phụ thuộc trung tâm nên vẫn làm tăng áp lực và mật độ giao thông ở đô thị lớn. Từ đó người ta chuyển dần sang xu hướng xây dựng các “chùm đô thị” hay các “tuyến đô thị” với nhiều thành phố quy mô nhỏ và vừa về dân số nhưng có tính độc lập đối với các “siêu đô thị”.
Nhìn lại quy hoạch bốn khu “đô thị vệ tinh” của TP.HCM ta thấy: so với khái niệm “đô thị vệ tinh” (đã lạc hậu) cũng không đúng vì cả bốn khu vực vẫn nằm trong các quận huyện thuộc lãnh thổ của TP.HCM và quá gần trung tâm nên hầu như không có chức năng “vệ tinh”. Tóm lại các khu đó không phải là “đô thị vệ tinh” mà thực chất là “mở rộng không gian đô thị hoá về bốn hướng”, tức là đô thị hoá các vùng nông thôn còn lại và thành phố sẽ trở thành “siêu đô thị” cả về quy mô và dân số. Tuy nhiên, mô hình này đã bộc lộ quá nhiều nhược điểm vì nó không tránh được sự “quá tải toàn diện”, nên xu hướng của thế giới ngày nay là tránh trở thành “siêu đô thị”.
Các luận chứng về mục đích
Mục đích mà quy hoạch “đô thị vệ tinh” đến năm 2025 ở TP.HCM nêu ra là: xây dựng thành phố đa trung tâm, đa phân khu chức năng để dãn dân ở khu lõi trung tâm nhằm khắc phục các vấn nạn xã hội, giao thông, môi trường đang ngày càng gay gắt.
Mục đích nêu ra là tốt đẹp nhưng có thực hiện được không lại cần phải có luận chứng khả thi cho những vấn đề cơ bản sau đây:
Vấn đề thứ nhất: yếu tố nào sẽ thu hút cư dân từ trung tâm ra “vệ tinh”? trong khi ở trung tâm, giá trị nhà đất cao nhất, cơ hội và điều kiện kinh doanh tốt nhất – kể cả cho thuê nhà cũng thu lợi nhiều nhất – tức là yếu tố quan trọng nhất là lợi ích ở “vệ tinh” khó mà cao hơn trung tâm nên thiếu sức hút. Nếu như có một số cư dân chuyển ra “vệ tinh” thì lập tức có người khác trám vào nên vẫn không giảm được mật độ cư trú.
Vấn đề thứ hai: làm sao thay đổi hoặc di dời được một số trong tổng số 130 dự án cao ốc đã được cấp phép, trong đó có 70 dự án ở “lõi khu vực trung tâm” (theo sở Xây dựng). Các cao ốc ấy sẽ “nén dân số đến nghẹt thở”.
Vấn đề thứ ba: làm cách nào có thể ngăn cản được sự hình thành những khu cư trú tự phát sẽ lấp kín khoảng cách giữa khu trung tâm và các “vệ tinh” – trên thực tế đến nay đã lấp gần kín – sự lấp kín ấy làm mất đi tính chất “vệ tinh” của các khu đô thị mới.
Vấn đề thứ tư: hệ thống giao thông nối các “vệ tinh” với trung tâm sẽ như thế nào, có thể là quy mô lớn và tốc độ nhanh được không khi phải xuyên qua các khu cư trú tự phát?
Xem lại quy hoạch xây dựng “đô thị vệ tinh” từ khái niệm đến các luận chứng là việc làm cần thiết vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của TP.HCM.
TS Nguyễn Hữu Nguyên
 "Kiến trúc sư VN cần có phương pháp quy hoạch hiện đại"
Đó là ý kiến của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, từng đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi kiến trúc quốc tế năm 1994 (với dự án quy hoạch và cải tạo làng gốm Bát Tràng). Bởi theo anh, các kiến trúc sư VN chỉ có khả năng thiết kế các quần thể thấp mang tính cộng đồng.
- Anh đánh giá thế nào về tình trạng đô thị hoá ở VN hiện nay?
- Quá ồ ạt. Và đáng buồn là sự phát triển đó không tuân theo một hình thái rõ rệt nào, cũng chẳng gắn kết gì với môi trường. Ở phương Tây, hình thái đô thị gắn bó mật thiết với những điểm nhấn thị giác, những gác chuông cao, những ngọn tháp nhọn, nhà chọc trời... Thành phố của chúng ta có những điểm nhấn tâm linh, chẳng hạn không gian hồ Gươm ở Hà Nội. Khối tích và kích cỡ thường không giữ vai trò quan trọng trong không gian đô thị, thế nhưng các nhà quy hoạch của chúng ta dường như chưa quan tâm đúng mức tới chuyện này. Chúng ta chỉ có khả năng thiết kế các quần thể thấp mang tính cộng đồng. Còn những phương pháp quy hoạch hiện đại, những kiến trúc cao tầng nhằm đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, kiến trúc sư của ta chưa được chuẩn bị đầy đủ và chưa có thực tế. Vì thế, hiện nay, các tập đoàn và công ty ngoại quốc khi đầu tư xây dựng vào VN thường phải thuê kiến trúc sư nước ngoài.
- Vậy theo anh, chúng ta phải làm gì?
- Phải xây dựng cho được một lý luận về hình thái kiến trúc và đô thị của riêng VN, đồng thời hướng tới những phương pháp lập luận mới nhằm kiểm soát chất lượng môi trường tại các trung tâm đô thị. Đã từ lâu, chúng ta thiếu hẳn một bộ khung pháp lý hoàn chỉnh và những thông tin liên quan tới lĩnh vực thiết kế đô thị và kiến trúc, nhất là thiếu vắng những công cụ hiệu quả có khả năng kiểm soát các quá trình quy hoạch và xây dựng, trong đó có sự quan tâm tới chất lượng môi trường.
- Hiện VN vẫn chưa chú ý nhiều tới các khía cạnh có tầm quan trọng quyết định cho một thiết kế, ví như hình ảnh môi trường và các tham số liên quan tới khu đất xây dựng. Theo anh, cần xử lý vấn đề trên thế nào?
- Noberg Schulz cho rằng môi trường là "nơi chốn", là một tập hợp những thứ dính kết về chất liệu, hình thái, cấu trúc, màu sắc... Con người thích ứng với môi trường xung quanh, đồng thời gây ra những biến đổi lên chính môi trường, nhằm đem lại sự thuận tiện hơn cho cuộc sống. Mặt khác, sự phụ thuộc của cuộc sống vào môi trường là tuyệt đối và nó biểu lộ thông qua những yếu tố tác động trực tiếp lên cơ thể người thông qua hệ thống giác quan. Theo tôi, đây là những vấn đề căn bản mà chúng ta phải tính đến khi xây dựng các khu đô thị mới trong tương lai.
(Theo Thể Thao & Văn Hoá)
 Sự tiến hóa trong phương pháp quy hoạch
Ðầu ra của quy hoạch đô thị phải là bản quy hoạch sử dụng đất, nó đưa ra một hình dạng đô thị dài hạn cụ thể là thiết kế về quy hoạch sử dụng đất cho các công trình bán lẻ, văn phòng, công nghiệp, nhà ở, không gian mở, sử dụng đất công cộng, hệ thống giao thông và bảo vệ môi trường sinh thái...

I -Thập niên 1960 đã thịnh hành quy hoạch tổng thể
  • Ảnh bên : Khu đô thị mới La Defense - TP Paris - Pháp
Quy hoạch tổng thể (master planning) bao gồm: các bản đồ và thuyết minh diễn giải chỉ rõ các sử dụng được cho phép về các phần đất sử dụng riêng trong khu vực hoặc xác định cụ thể các loại sử dụng đất tương tự theo luật, các mật độ chiều cao công trình độ lùi và các tiêu chuẩn cụ thể khác.

Quy hoạch tổng thể nhấn mạnh đến sự phát triển về sử dụng mặt bằng, sự lưu thông hiệu quả hàng hóa và dịch vụ và kiểm soát thị trường nhà đất.

Các quy hoạch như vậy được áp dụng trong phạm vi toàn thành phố và hình thành cơ sở cho hệ thống pháp lý kiểm tra sự phát triển và các quy trình. Do vậy, quy hoạch tổng thể là để phát triển cơ sở vật chất nên còn được gọi là quy hoạch vật chất/ hình thái (physical planning), là giải pháp làm đẹp thành phố (City beautiful approach), để quản lý phát triển nên còn gọi là quy hoạch phát triển do luật định (Statutory plans).

Quy hoạch tổng thể do các nhà chuyên môn về quy hoạch thực hiện nên còn được gọi là quy hoạch khoa học (Rational planning)/quy hoạch từ trên xuống (top_down planning), sản phẩm quy hoạch sẽ trở thành định hướng nên còn được gọi là quy hoạch quy ước (conventional planning).

Tuy nhiên, trong giai đoạn toàn cầu hóa và tái cấu trúc lại nền kinh tế quy hoạch tổng thể trở thành công cụ lỗi thời đối với các nhà quy hoạch.


II -Thập niên 1970 các nhà quy hoạch Anh quốc đã hoàn chỉnh quy hoạch cơ cấu

Quy hoạch cơ cấu (Structure plans): Bao gồm các bản đồ và thuyết minh diễn giải, nó linh hoạt rộng rãi hơn quy hoạch tổng thể, nó xác định độ rộng lớn và chiều hướng phát triển đô thị, bao gồm các hệ thống cơ sở hạ tầng và vị trí tiện ích chủ yếu như là các phi trường, các bệnh viện và các trường đại học.

Nó không cố gắng xác định cụ thể các chi tiết từng lô đất sử dụng hoặc các hình dáng cụ thể về đường xá nhưng địa phương nhận dạng được các khu vực đó mà sự phát triển và thay đổi sẽ được địa phương làm chi tiết hơn và các quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cần đến, quy hoạch cơ cấu sẽ không cần quá mức các cố gắng thu thập dữ liệu, cũng không tĩnh tại và có thể cập nhật nhanh theo yêu cầu thay đổi.

Quy hoạch cơ cấu đề cập đến phát triển đất đai dài hạn và uyển chuyển (flexible)/ mềm dẻo (plastic) hơn là nói rõ loại hình xây dựng cụ thể nào trong quy hoạch. Bản quy hoạch cho thấy cơ cấu và hướng phát triển trong tương lai, và bỏ quy hoạch hoặc chung cuộc lại trong tiến trình sau đó.

Do vậy quy hoạch cơ cấu còn gọi là quy hoạch hướng dẫn (Guide plans), quy hoạch khuôn khổ (Framework plans) và quy hoạch chỉ dẫn (Indicative plans).

Quy hoạch cơ cấu/ phân khu chức năng mang tính khống chế (zonning ordinance), do vậy trọng tâm của quy hoạch cơ cấu vẫn là "kiểm soát phát triển" thay vì "quản lý phát triển", quản lý phát triển mới chính là phần quan trọng trong quy hoạch.

Quy hoạch cơ cấu không có chỗ bàn đến các khía cạnh phi không gian của sự phát triển chẳng hạn như nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, quy hoạch môi trường, xã hội và tài chính.

Quy hoạch cơ cấu phần lớn do các tổ chức thuộc khu vực công kiểm soát và tiến trình quy hoạch này chậm đáp ứng sự thay đổi kinh tế, xã hội và thay đổi về môi trường.


III - Thập niên 1980 quy hoạch chiến lược được các cấp chính quyền đưa vào tiến trình phát triển đô thị để đảm bảo có tính cạnh tranh hơn và phát triển bền vững
  • Ảnh bên : Khu vực mới QH TP TOKYO - Nhật Bản
Quy hoạch chiến lược đã ra đời ở Hoa kỳ từ thập niên 1960 với nhiệm vụ hướng dẫn các công ty điều chỉnh tổ chức để cạnh tranh trong môi trường kinh doanh đang thay đổi mau chóng, nó bị chi phối bởi các công ty phương Tây ngày càng gia tăng sự quan tâm, làm thế nào đối phó với sự cạnh tranh xuất phát từ Nhật Bản và Ðông Á.

Quy hoạch chiến lược (Strategic Planning): Là một quan điểm về giải pháp phát triển đô thị hợp nhất tới cực điểm, nó hợp nhất đồng thời cả quy hoạch vật chất, kế hoạch đầu tư, dự kiến về nguồn lực, và các yêu cầu về định chế, trong một tập hợp đặc biệt nhất đối với mỗi thành phố để nó theo kịp yêu cầu phát triển toàn thể và các tham vọng sản sinh ra trong điều kiện các mâu thuẫn được đặt ra bởi các giới hạn về nhân lực và các sự thiếu hụt về tài chính...

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay đối với quy hoạch chiến lược là:

Nhiều quy hoạch chiến lược tiếp tục được soạn thảo không có sự tham gia đầy đủ của các ban ngành, ngoại trừ chỉ có sự tham khảo của các ban ngành nhưng cũng rất hạn chế.

Có sự mâu thuẫn đáng kể và thiếu rõ ràng giữa các mục đích và mục tiêu trong nhiều bản quy hoạch chiến lược.

Cơ hội điều phối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực giữa các tổ chức vẫn còn bị hạn chế nghiêm trọng hơn là do bởi tệ quan liêu, thủ tục, phe phái trong việc quy hoạch và tổ chức.

Nhiều quy hoạch chiến lược chỉ phục vụ cho yêu cầu của tổ chức mà không phục vụ khách hàng, người tiêu dùng và các thân chủ.

Có sự trùng lặp rất lớn trong khâu thu thập dữ liệu, quản lý và kết quả hoạt động.


IV -Thập niên 1990 quy hoạch chiến lược tổng hợp ra đời để khắc phục các tồn tại nêu trên của quy hoạch chiến lược
  • Ảnh bên : Thành phố Chicago - Mỹ
Quy hoạch chiến lược hợp nhất là một bước cải tiến quy hoạch chiến lược, nó hợp nhất đồng thời quy hoạch vật chất, kế hoạch đầu tư, nguồn lực và định chế... Tuy nhiên quy hoạch chiến lược tổng hợp phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với việc biên soạn một quy hoạch chiến lược cho một đơn vị riêng lẻ.

Quy hoạch chiến lược tổng hợp bao gồm:

Xây dựng mục tiêu và mục đích sử dụng đất dài hạn được nhiều tổ chức và cộng đồng chấp thuận.

Thiết lập cơ chế điều phối chính sách, ngân sách, tài nguyên giữa các tổ chức.

Nêu ra các dự án chính và ưu tiên để áp dụng cho các tổ chức, theo phương pháp lập kế hoạch đầu tư đa ngành (Multi Sectoral Investment Program - MSIP)

Trao trách nghiệm quản lý cho các trung tâm kiểm soát sản phẩm đầu ra (Performance Management System-PMS)

Cưỡng chế các cơ quan hay hành động tùy tiện

Phát triển sự hợp tác tham gia của các thành phần đô thị để quy hoạch và thực thi các hoạt động: quy hoạch có sự tham gia (Participatory planning)/quy hoạch cộng đồng (Communicative planning)/ quy hoạch từ dưới lên (bottop_up planning) hoặc quy hoạch đề xuất (advocacy planning).

Kiến tạo một mạng lưới thông tin liên lạc cởi mở.

Ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản quy hoạch chiến lược hợp nhất thường được xem là quy hoạch khoa học mang tính tổng hợp (Rational Comprehensive Planning)


 V - Thập niên 2000 hầu hết các quốc gia phát triển đều ứng dụng phương pháp quy hoạch đô thị hợp nhất

Quy hoạch đô thị hợp nhất (Integrated Urban Planning):

Chức năng hợp nhất: là quy hoạch sử dụng đất của các địa điểm khác nhau nằm kề cận nhau giữa địa điểm này với địa điểm khác. Hợp nhất các loại sử dụng đất khác nhau, hợp nhất không gian ở cả 3 cấp: phường, quận và thành phố.

Mục đích là: Ðảm bảo môi trường sống an toàn cả ngày và đêm, khoảng cách đến chỗ làm việc ngắn, giảm bớt việc đi lại và vận chuyển (cơ cấu đô thị hợp lý), hỗ trợ tốt cho các cửa hàng và các tiện ích khá.

Cải thiện khả năng và cách tiếp cận với nguồn lực đất đai, tăng thêm thuận lợi cho những người nghèo có thể tiếp cận với đất đai.

Các điều kiện cho quy hoạch hợp nhất:
  • Kết nối giữa trách nhiệm quy hoạch và trách nhiệm thực hiện
  • Phối hợp giữa quy hoạch và thực hiện ở các cấp khác nhau: quốc gia, vùng và địa phương.
  • Phối hợp giữa quy hoạch và bố trí nguồn lực.
Quy hoạch đô thị hợp nhất là để làm gì ?
Ðó là cơ sở để quyết định về:
  • Bao nhiêu (How much ) - Phụ thuộc vào độ tin cậy sự chẩn đoán
  • Ở đâu (Where) - quyết định vào địa điểm đầu tư mới
  • Khi nào (When) - quyết định đúng thời gian đầu tư
  • Cho ai (For whom) -  quyết định cho nhóm mục đích
  • Với giá nào (To what costs) - quyết định về nguồn lực cấp cho dự án
Làm thế nào để quy hoạch đô thị hợp nhất:
  • Khi hướng dẫn phát triển đúng thời điểm.
  • Khi cung cấp nguồn lực sẵn sàng.
  • Khi thiết lập được các ưu tiên cần thiết.

Do vậy ngày nay, tiếp sau quy hoạch đô thị hợp nhất nhiều nước đã triển khai “Chiến lược Phát triển Thành phố (City Development Strategy - CDS), một tiến trình nhằm mục tiêu hoàn chỉnh rộng rãi sự đồng thuận trên một tầm nhìn chung giữa các thành phần trong đô thị để tạo ra một chiến lược cấp thành phố toàn diện với sản phẩm đầu ra là các dự án chọn lọc ưu tiên.


VI - Kiến nghị:

Trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, kiến nghị : “ứng dụng phương pháp quy hoạch đô thị hợp nhất ở nước ta theo cách tiếp cận là tích hợp nhu cầu không gian của quy hoạch kinh tế (công nghiệp, thương mại - dịch vụ), quy hoạch xã hội (nhà ở, các công trình phục vụ công cộng như y tế, giáo dục...), quy hoạch bảo vệ môi trường (không gian mở, cây xanh, mặt nước...), quy hoạch cơ sở hạ tầng (giao thông, các tiện ích công cộng) ... vào chính bản quy hoạch chung xây dựng đô thị” để có bản quy hoạch sử dụng đất sát với yêu cầu của cuộc sống đang thay đổi rất nhanh trong xu thế toàn cầu hóa, tránh được tình trạng “quy hoạch treo”.

Vấn đề đặt ra là phải thể chế hóa cách tiếp cận nêu trên để đưa phương pháp quy hoạch đô thị hợp nhất vào cuộc sống ở nước ta.

Tài liệu tham khảo:

Integrated Urban Development _ WB, UNDP & UNCHS, 1990
Les Methodes de l’ urbanisme _ Jean_ Paul Lacaze, 1990
Bàn về những phát triển học thuật trong quy hoạch đô thị Trung Quốc _ Ngô Lương Dung, 1994
The City Reader _ Richard T. LeGates and Frederc Stout, 1996
Thành phố Hồ Chí Minh - Từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chiến lược - VIE/95/051, 1998.
Từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chiến lược hợp nhất - Brian Roberts, 1998
Phương pháp tiếp cận mới về quy hoạch và quản lý đô thị - Nguyễn Ðăng Sơn, NXB Xây dựng, 2005
Phương pháp tiếp cận mới về quy hoạch và quản lý đô thị - Nguyễn Ðăng Sơn, NXB Xây dựng, 2006
Integrated Urban Planning _ Anita Lrson, 2006


Nguyễn Ðăng Sơn
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ðô thị & Phát triển Hạ tầng
Quy hoạch đô thị cần cái nhìn cho tương lai...
Những nhìn nhận hết sức thẳng thắn của một người trẻ được đào tạo bài bản và chính quy cả trong và ngoài nước về khái niệm "thế nào là quy hoạch đô thị" và phần nào là hiện trạng của "quy hoạch đô thị" ở Việt Nam hiện nay... là nội dung chính của bài viết dưới đây. Tác giả của nó chính là một trong hai khách mời của chương trình Đối thoại trẻ số tháng 4 với chủ đề Quy hoạch đô thị - trách nhiệm của những người trẻ - nhà quy hoạch đô thị còn rất trẻ Nguyễn Đỗ Dũng.
Đó là câu hỏi đầu tiên trong rất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề “Quy hoạch đô thị” mà một biên tập viên của Đài THVN đã email cho tôi trước khi tôi nhận được lời mời chính thức trở thành khách mời trong chương trình Đối thoại trẻ số 16 .
Tôi rất sợ phải trả lời những câu hỏi như vậy vì nói thực, để trả lời chúng chính xác thì rất vất vả. Thú vị thay, chưa kịp viết email trả lời thì một người bạn của tôi (anh Như Huy) đã góp một tay: “Quy hoạch đô thị là làm sao để đường dây cao thế không bị sét đánh”. Ngay lập tức, một blogger là sinh viên ngành qui hoạch phản bác: ”@Anan : đó là quy hoạch mạng lưới điện mà…”.
Có lẽ qui hoạch đô thị, trong vụ tai nạn này, phải là “làm sao cho dây điện đứt nhưng không chết người vì có hành lang bảo vệ hoặc được chôn ngầm” (hạ tầng kỹ thuật và quản lí đất đai), là “làm sao đường không ngập lụt” (thoát nước đô thị), là “làm sao tài xế xe buýt dừng xe khi người dân kêu cứu” (qui hoạch và quản lí giao thông công cộng), là “làm sao ông giám đốc sở điện lực và thậm chí ông bộ trưởng bộ năng lượng đứng ra nhân trách nhiệm và xin lỗi với gia đình nạn nhân cũng như đồng bào” (quản lí đô thị), và quan trọng hơn, là “làm sao sự cố sẽ được đem ngay vào giáo trình ngành điện, ngành qui hoạch và quản lí đô thị dạy cho sinh viên, cũng như tai nạn sẽ là bài học đầu tiên và cuối cùng” (giáo dục – đào tạo về qui hoạch đô thị).
Bạn sinh viên ngành qui hoạch ơi, những gì mà nhà trường ở Việt Nam dạy bạn về qui hoạch chỉ là một góc rất nhỏ như là một cái lá của cây đại thụ mang tên qui hoạch. Nếu bạn vào trang web của Hội qui hoạch Mĩ (planning.org), bạn sẽ được giới thiệu ngắn gọn thế này:
“Qui hoạch là gì? Qui hoạch, cũng gọi là qui hoạch đô thị hay qui hoạch thành phố và vùng, là một lĩnh vực chuyên môn luôn biến đổi và có tính mục đích nhằm năng cao chất lượng sống và hạnh phúc của con người và các cộng đồng bằng việc tạo ra không gian sống thuận tiện, bình đẳng, tốt cho sức khỏe, hiệu quả và hấp dẫn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Qui hoạch là công cụ giúp các các nhà lãnh đạo trong xã hội, các doanh nhân và công dân đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống của con người.

Qui hoạch tốt giúp tạo ra những cộng đồng vĩ đại trong đó mọi người có nhiều lựa chọn tốt về cách và nơi mà họ muốn sống.
Qui hoạch giúp các thành viên của mỗi cộng đồng tham gia vào việc định hướng phát triển của cộng đồng đó và giúp họ tìm thấy một sự cân bằng giữa sự phát triển (đô thị) với việc cung cấp các dịch vụ cơ bản, bảo vệ môi trường và những biến đổi trong khoa học và công nghệ”.
Ở Việt Nam, bộ Xây Dựng, cơ quan quản lí và (nhiều khi) thực hiện qui hoạch (qui hoạch theo nghĩa chúng ta hiểu là để xây dựng đô thị) thì định nghĩa như thế này:

1) Quy hoạch xây dựng (thêm chữ “xây dựng” để phân biệt với “qui hoạch phát triển kinh tế xã hội”): là việc tổ chức hoặc định hướng tổ chức không gian vùng, không gian đô thị và điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ đó, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng, đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. (Qui chuẩn xây dựng Việt Nam, phần về Qui hoạch Xây Dựng do Bộ Xây Dựng ban hành).
Nói một cách vắn tắt, định nghĩa của Bộ XD thể hiện quan điểm của chính quyền Việt Nam rằng qui hoạch đô thị là công tác bố trí, sắp xếp các yếu tố không gian khác nhau trên mặt bằng lãnh thổ và sản phẩm của qui hoạch là các bản vẽ.
Cách hiểu này, theo giáo sư Trương Quang Thao trong cuốn “Đô thị học”(NXB Xây Dựng, 2003) được “di truyền” từ cách hiểu của các nhà qui hoạch đô thị Xô Viết. Trong thời kỳ Xô Viết, nền kinh tế Liên Xô được kế hoạch hóa cao độ và phát triển theo một hệ thống tầng bậc mang tính hành chính. Nhà quản lí Liên Xô phân biệt planirovanye tức là “kế hoạch” (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vn có tên tiếng Anh là Ministry of Planning and Investment), hoạch định chỉ tiêu kinh tế xã hội, với planirovka, tức”qui hoạch”, là bố trí, sắp xếp trên mặt bằng lãnh thổ. Tuy nhiên sau khi Liên Xô sụp đổ và nước Nga chuyển sang cơ chế thị trường thì các yếu tố “kế hoạch” của xây dựng và cải tạo đô thị được trả lại cho qui hoạch. Do vậy công tác qui hoạch đô thị được gọi bằng thuật ngữ gradoxtroitelnoye planirovanie (urban planning), còn planirovka được sử dụng với nghĩa hẹp hơn là qui hoạch vật thể (Physical planning).
Trong quá khứ, qui hoạch đô thị ở phương Tây, mang nặng tính thiết kế xây dựng, tương tự như khái niệm này ở VN hiện nay và có mối quan hệ gần gũi với lĩnh vực kiến trúc. Tuy nhiên, đến khoảng những năm 1960, cùng với sự phát triển của các lĩnh vực quản lí, nghiên cứu chính sách cũng như đòi hỏi ngày càng phức tạp và đa dạng của phát triển đô thị khiến cho ngành qui hoạch tách rời kiến trúc và tiến lại gần khoa học xã hội (đặc biệt là địa lý và kinh tế, xã hội học và chính trị học).
Thực tế là đô thị đã trở thành một thực thể phức tạp và qui hoạch cần một tư duy rộng bao trùm nhiều lĩnh vực: kinh tế, giao thông, xã hội học, môi trường,… thay vì những kiến thức thiên về thẩm mĩ và kĩ thuật xây dựng. Qui hoạch trở thành một ngành khoa học về quyết định chính sách (decision-making) liên quan đến đô thị. Thay vì đưa ra sản phẩm là những bản thiết kế cụ thể và chi tiết, sản phẩm của qui hoạch đô thị là những bản đồ định hướng và những kèm theo đó là những chính sách nhằm đạt tới một mục tiêu phát triển hoặc một chất lượng sống nhất định trong đô thị.
Còn với phương pháp mà chúng ta đang thực hiện thì kết quả chỉ là tình trạng qui hoạch “treo” (vì không xài được), là “qui hoạch chung thì quá chi tiết còn qui hoạch chi tiết thì quá chung chung” (Ông Hoàng Văn Nghiên). Thử tưởng tượng cả một đô thị vài triệu dân được qui hoạch phía bắc bờ sông Hồng, bên huyện Đông Anh, với những tòa nhà chọc trời mà không dựa trên những nghiên cứu về nhu cầu thị trường (văn phòng và nhà ở), về năng lực tài chính (ai sẽ bỏ ra hàng trăm tỉ đô la?) và tính hiệu quả về hạ tầng (cần xây bao nhiêu cây cầu để vượt sông Hồng?).
Ai cũng gọi qui hoạch là một ngành khoa học dự báo, hoạch định phát triển trong tương lai thế nhưng các trường qui hoạch chủ yếu dạy sinh viên làm các đồ án thiết kế với đề bài có sẵn. Trong khi đó, để thực sự dự báo, sinh viên cần học về toán thống kê, kinh tế học, dân số học, tương lai học, xã hội học và một số lĩnh vực nóng như vấn đề giá dầu mỏ (tài nguyên này đang cạn kiệt, 50 năm nữa liệu con người có còn dùng động cơ đốt trong). Hãy thử ngẫm xem xã hội VN đã thay đổi cơ bản như thế nào trong 25 năm vừa qua để mà suy nghĩ xem liệu 25 năm tới điều gì sẽ xảy ra. Những bản qui hoạch, buồn cười thay, hoàn toàn dựa trên hiểu biết và khát vọng của chúng ta về ngày hôm nay.
Một vấn đề bi đát nữa là VN vẫn chưa có qui hoạch giao thông theo đúng nghĩa của nó: dự báo lưu lượng giao thông, từ đó đưa ra qui mô hệ thống giao thông phù hợp. Sự việc nghiêm trọng này hoàn toàn do lỗi của nhà nước vốn không tiến hành những thống kê cần thiết để dựa trên đó làm qui hoạch giao thông. Cũng nói thêm là VN chưa có trường nào dạy về qui hoạch giao thông cả mà chỉ có các chương trình dạy về kỹ thuật xây cầu và đường. Đây là một nguyên nhân cơ bản, cùng với việc thiếu một hệ thống giao thông công cộng tốt và không kết hợp qui hoạch giao thông trong sử dụng đất, dẫn đến tình trạng tệ hại hiện nay.
Do vai trò quản lí yếu kém của nhà nước, đô thị phát triển tràn lan không kiểm soát (kém hiệu quả về hạ tầng kỹ thuật và xã hội), đất nông nghiệp liên tục bị chuyển đổi thành đất công nghiệp nhằm mục đích chiếm dụng đất trong khi chủ đầu tư không có năng lực tài chính để thực hiện dự án. Hiện tượng này là nguồn gốc của bất ổn xã hội và đẩy giá lương thực lên cao trong khi bần cùng hóa người nông dân.
Bất chấp những thay đổi trong nền qui hoạch phương Tây và cả tại Nga, qui hoạch VN vẫn đi theo phương pháp lỗi thời. Các bản qui hoạch đô thị là những bản vẽ tương đối cụ thể với ít nghiên cứu về hiện trạng và hạn chế về khả năng dự báo tương lai. Ngoài ra phương pháp qui hoạch hiện nay tách rời các lĩnh vực chuyên môn vốn gắn kết với nhau như qui hoạch giao thông và qui hoạch sử dụng đất là một hiện tượng điển hình. Chưa kể việc quản lí qui hoạch yếu kém và không minh bạch. Những hạn chế này dẫn đến việc các bản qui hoạch thường xa rời thực tế, mang nặng tính hình thức và do đó, luôn bị thay đổi và không giúp giải quyết các vấn nạn đô thị hiện tại.
Qui hoạch đô thị ở nước ta, buồn thay, vẫn chỉ là những bản vẽ vô hồn. Chưa nói đến một chất lượng sống tốt hơn, qui hoạch thậm chí không có vai trò gi trong việc giúp người dân tránh được những rủi ro hằng ngày vẫn xảy ra như cơm bữa: dây điện thoại thành thòng lọng gây chấn thương nặng cho người đi đường, xe máy thụt hố ga, sinh viên chết vì tai nạn do đào đường, bé trai chết vì rơi xuống sông từ lỗ thủng trên cầu,… Cần có ai góp nhặt thông tin để thành cuốn Sổ tay sống sót trong thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ mặt đô thị Việt Nam sẽ theo định hướng thị trường?
SGTT Xuân 2012 - Dự kiến trong vài thập kỷ tới, một nửa dân số nước ta sẽ sinh sống tại các đô thị. Hiện nay, hầu hết các thành phố Việt Nam đang nhanh chóng chuyển sang hướng toàn cầu hoá, hiện đại hoá kiểu quốc tế.
Thuê quy hoạch lẫn thiết kế công trình và cả thi công đến từ bên ngoài đang là cái mốt mới khá phổ biến hiện nay. Không ít người đang lo ngại: phải chăng đô thị Việt Nam sẽ ngày càng quốc tế hoá, nặng phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây?
Dự án trung tâm Mã Lạng 7,5 triệu m2 (Carlos Zapata Studio) tại TP.HCM. Ảnh: TL
Hàng chục công ty thiết kế lớn phương Tây đã có mặt
Vừa qua, trong một tạp chí khá nổi tiếng ở Mỹ là Architectural Record (Hồ sơ kiến trúc) đã đăng một bài dài với hàng tít lớn: “Phải chăng Việt Nam là điểm dừng chân mới cho các kiến trúc sư?” Các kiến trúc sư ở đây là nói về các kiến trúc sư quốc tế, chủ yếu đến từ phương Tây.
Hiện có khoảng 24 công ty thiết kế lớn các khu vực Bắc Mỹ và Tây Âu đang có các dự án ở các nước Đông Nam Á, nhiều công ty đó có mặt ở Việt Nam. Nổi tiếng nhất là các công ty thiết kế hàng đầu thế giới, mang tính đa quốc gia như Foster & Partners (Anh), HOK, Skidmore, Owings & Merrill – SOM (Mỹ). Hàng chục dự án thiết kế quy hoạch quy mô lớn, theo xu hướng hiện đại thế giới đang xuất hiện tại các thành phố lớn ở nước ta, từ Bắc chí Nam.
Người đứng đầu công ty thiết kế lớn Carlos Zapata có trụ sở tại Chicago là KTS Anthony Montalto, cho biết: “Việt Nam đang bắt đầu quá trình hội nhập với ngày càng nhiều các toà nhà thiết kế theo kiểu phương Tây, bởi vì Việt Nam muốn tạo một dấu ấn trên trường quốc tế. Đang có một cơ hội thật sự để chúng ta thử nghiệm những điều mới mẻ”.
Hai trong số các công trình của hãng này, được ghi nhận nằm trong số những công trình đầu tiên của các kiến trúc sư Mỹ được xây dựng tại Việt Nam, có hình thức khác biệt so với lối kiến trúc thấp và hình khối ở các đô thị của Việt Nam. Toà tháp Bitexco Financial 68 tầng do hãng này thiết kế, hoàn thành năm 2010 ở TP.HCM, nổi bật với sân hạ cánh trực thăng nhô cao mà nhìn từ các bức tường kính của các tầng cao trông như tấm ván nhún. Toà nhà mang hình tượng búp sen nở bên bờ sông Sài Gòn.
Và tại Hà Nội, Zapata cũng thiết kế toà nhà Marriott với 450 phòng nằm trên bến tàu tựa như một chiếc vành móng ngựa cong nếu nhìn từ trên xuống, hiện vẫn đang được thi công.
Một công ty thiết kế khổng lồ, đa quốc gia khác đang hoạt động rất tích cực tại Việt Nam là Skidmore, Owings & Merrill – SOM (Mỹ). Hiện công ty này có sáu dự án tại nước ta và tất cả đều là các phương án quy hoạch tổng thể.
FPT City hiện đang tích cực triển khai xây dựng ở thành phố Đà Nẵng. Phương án quy hoạch tổng thể thì do SOM thực hiện, nhưng công trình kiến trúc thì do nhiều công ty thiết kế kiến trúc khác, nhất là Ý thể hiện.
Gần đây, SOM tham gia vào dự án quy hoạch “Hanoi Green Tech City” (thành phố công nghệ xanh) ở Hà Nội, dự án này bao gồm hai khu đô thị và một công viên có nhiều cây xanh đóng vai trò như “một tấm bọt biển” khi trời mưa, theo lời ông Danial Ringelstein, giám đốc thiết kế và quy hoạch đô thị của SOM.
Lạc quan và hướng về tương lai hơn là quá khứ
EE&K đã đề xuất một dự án tổ hợp các toà nhà trung tâm thương mại cho thành phố Long Xuyên. Ảnh: TL
Công ty kiến trúc đa quốc gia Mỹ HOK từng được Sacom, một công ty Việt hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và bất động sản thuê để nghiên cứu cho một dự án bất động sản với diện tích 10,8ha tại TP.HCM. Tyler Meyr, một cán bộ cấp cao của HOK cho biết, hướng đến sự trẻ trung, bản phác thảo gây ấn tượng bằng thiết kế 1.600 ngôi nhà đan chéo nhau và được các con kênh cắt ngang. Ông tâm sự: “Nhà nước và đại bộ phận người dân Việt Nam dường như không còn mang nặng mối thâm thù với các nước phương Tây nữa, mặc dù sự thật là chiến tranh đã từng kéo dài nhiều thập kỷ ở đó. Họ đang ở trong thời kỳ lạc quan và hướng về tương lai hơn là quá khứ”.
Tâm trạng lạc quan này có thể được lý giải phần nào bởi số lượng việc làm được tạo ra ồ ạt nhờ các nguồn đầu tư nước ngoài. Với gần 90 triệu dân, Việt Nam được xem là nơi ưa thích để nhiều công ty mở nhà máy bởi nguồn lao động giá rẻ chỉ bằng một nửa so với các vùng công nghiệp tại Trung Quốc (theo những thống kê của ngân hàng Thế giới). Điển hình là việc tập đoàn Intel đã mở một nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn trị giá 1 tỉ USD tại đây vào năm ngoái. Các nhà phân tích cũng cho rằng, chính sách bình thường hoá quan hệ thương mại với Việt Nam của Mỹ năm 2000 đã giúp tăng cường các mối quan hệ và thúc đẩy sự phát triển.
Tại Long Xuyên – thành phố nằm trên đồng bằng sông Mekong – EE&K đã đề xuất một dự án xây dựng tổ hợp các toà nhà của khu trung tâm thương mại cho một quy hoạch tổng thể nhằm chuyển đổi 470 mẫu đất nông thôn thành các khu đô thị đông đúc lân cận. Cả hai kế hoạch này đều đang đợi phê duyệt.
Không chỉ ở lĩnh vực quy hoạch, mà bản thân các kiến trúc sư thiết kế công trình quốc tế cũng đang được chào đón, mời làm việc bởi sự năng động của ngành xây dựng Mỹ và Tây Âu, Nhật Bản. Theo KTS Ming Wu, nhà thiết kế chính cùng với các kiến trúc sư của Ehrenkrantz Eckstut và Kuhn (EE&K, do Perkins Eastman sở hữu), hiện nay có hàng tá công ty của Mỹ đang có mặt tại thành phố phía nam của Long Xuyên, “càng ngày càng có nhiều kiến trúc sư đến làm việc tại Việt Nam”.
Các công ty Anh, Đức cũng đang hoạt động ở Việt Nam. Công ty thiết kế Đức GMP do giáo sư Meinhard von Gerkan đứng đầu đã từng thiết kế trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, nhà Quốc hội. Mùa thu năm ngoái, Foster và đối tác đã tiến hành lễ động thổ xây dựng một tổ hợp ngân hàng tại Hà Nội. Họ cũng tích cực tham gia cuộc thi thiết kế nhà hát Thăng Long ở đó.
Tại TP.HCM, các công ty thiết kế Mỹ (Sasaki), Nhật Bản (Nikkei Seikei) lẫn Pháp (Deso) đều tham gia quy hoạch Thủ Thiêm, khu trung tâm TP.HCM mở rộng. Các công ty quy hoạch và thiết kế kiến trúc Singapore khá bận rộn với các phương án ở khu đô thị mới Bình Dương.
Khuynh hướng giao cho các công ty quốc tế lớn đảm nhiệm có mặt tích cực là thổi một làn gió mới vào tiến trình phát triển đô thị mới ở nước ta, nhưng phải chăng nó cũng có mặt tiêu cực là làm cho bộ mặt đô thị Việt Nam mất dần đặc điểm kiến trúc truyền thống sinh thái mang tính nhiệt đới ở nước ta.
Làm việc tại Việt Nam chắc chắn cũng có những trở ngại. Các dự án không phải luôn luôn có một mức phí cạnh tranh và đã có những vụ tham nhũng có hệ thống trong việc ký kết những hợp đồng cũng như việc khách hàng thường chú trọng xe hơi hơn là tàu hoả, có nghĩa là quốc gia có thể đi theo vết xe đổ của nước Mỹ. Ông Ringelstein nói: “Chúng ta đã học được từ các nước phương Tây một bài học rằng, việc xây thêm các con đường không giúp giải quyết được các vấn đề giao thông mà nó có nghĩa rằng sẽ có thêm ngày càng nhiều xe ở trên đường”.
EE&K đã đề xuất một dự án tổ hợp các toà nhà trung tâm thương mại cho thành phố Long Xuyên. Ảnh: TL
bài: KTS Nguyễn Hữu Thái
Quy hoạch thiếu đồng bộ, vùng ven lãnh đủ
SGTT.VN - Những năm gần đây, vùng ven thành phố hầu như không còn đất canh tác, thay vào đó là những khu dân cư mới mọc lên như nấm. Đây cũng là hướng phát triển theo chủ trương dãn dân của thành phố. Tuy nhiên, do thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng và hệ thống thoát nước nên những khu dân cư mới này đang lâm vào tình trạng ngập lụt thường xuyên.
Ở các khu đô thị mới vùng ven, cuộc đua nâng nhà – nâng đường cũng đang diễn ra quyết liệt. Ảnh: Từ An
Bi kịch các khu dân cư mới
Cách đây khoảng 15 năm, Bàu Cát vẫn còn là những ruộng nước để hoang, là khu ven đô xa xôi. Nhưng nay, nơi đây đã trở thành khu vực sầm uất, nhà cửa hiện đại, san sát. Nhiều người qua khu vực này cảm thấy thèm muốn có được một căn ở đây để an cư. Nhưng ít ai biết rằng, không ít gia đình đang sống ở đây đã phải bán rẻ ngôi nhà mình đang sống vì không chịu nổi cái cảnh nước ngập ngang xe, phải lội bì bõm mỗi khi mưa xuống.
Còn ở khu dân cư Sông Đà thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM, được xem là nơi ở lý tưởng, muốn có một suất đất nền để làm nhà phải tốn nhiều tỉ đồng thì nay những người sống ở đây lại đang muốn bỏ chạy. Nguyên nhân cũng chỉ vì nạn ngập nước. Người dân ở đây gọi khu vực mình ở là “khu nước nổi”.
Cách đây khoảng bốn năm, chị Trương Thanh Hằng, chủ một căn nhà trên đường số 14 (trong khu dân cư Sông Đà) đã phải bỏ ra 4 tỉ đồng để mua miếng đất đang ở. Khi xây nhà, chị cố tình làm cao hơn mặt đường khoảng nửa mét nên tránh được nước vào nhà mỗi khi có triều cường. Ba tháng trở lại đây, tuyến đường trước nhà được ban quản lý khu dân cư bất ngờ cho nâng cao thêm 1,5m, thế là nhà chị bị thụt sâu xuống, trông chả giống ai. Tất nhiên, sau khi có đường mới, nhà chị đã trở thành cái ao nhỏ. Những căn nhà dù nhỏ hay to trong khu vực này cũng đều chung cảnh ngộ như nhà chị Hằng. Thường thì mỗi tháng các tuyến đường vào khu vực này cũng như các khu dân cư mới khác xung quanh các tuyến đường 21, 23, 25, 27… (từ đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức rẽ vào) phải chịu cảnh ngập lụt khoảng mười lần.
Ở các quận ven khác như quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân… tình trạng ngập do mưa và triều cường cũng diễn ra thường xuyên hơn so với các năm trước.
Dự án chống ngập có nhưng...
Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng điều hành các chương trình chống ngập (thuộc trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM), cho rằng, ngập ở các tuyến đường xung quanh các khu dân cư mới như Phú Mỹ Hưng, Bàu Cát là do trong quá trình xây dựng, các kênh nhánh, ruộng rau – nơi chứa nước trước đây bị san phẳng để xây nhà, làm đường. Một nguyên nhân khác là vào thời điểm hình thành các khu đô thị mới trên chưa có quy định “khi san lấp 1m² mặt nước thì phải trả lại 1,2m² hồ như hiện nay”.
Thành phố đã có nhiều dự án để chống ngập cho vùng ven. Đơn cử, để cứu khu dân cư Bàu Cát, thành phố đang đẩy nhanh dự án nâng cấp, cải tạo kênh Tân Hoá – Lò Gốm. Đối với khu dân cư Sông Đà (Thủ Đức), thành phố đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư (sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn – đơn vị quản lý toàn bộ hệ thống thoát nước) phải khắc phục.
Xung quanh tuyến đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), đường số 48, trung tâm Chống ngập đã tạm thời làm đường thoát nước từ đường xuống cống 600mm dẫn xuống con kênh phía sau tuyến đường... Ông Long nhấn mạnh: “Đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập ở các khu dân cư mới xung quanh hai tuyến đường trên thì phải đợi dự án nâng cấp mở rộng hai tuyến đường này hoàn thành. Tôi được biết những dự án mở rộng, nâng cấp hai tuyến đường trên đều đã được phê duyệt, còn chuyện bao giờ khởi công thì tôi không biết”.
Cũng theo ông Long, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập lụt ngày càng nhiều ở các khu dân cư mới khu vực ven thành phố là do thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng và hệ thống thoát nước và đó là chuyện của quá khứ. “Hiện nay thành phố nói riêng và trung tâm Chống ngập nói chung đang ra sức khắc phục sự thiếu đồng bộ trên. Việc này đòi hỏi phải có thời gian”, ông Long chia sẻ.
Từ An – Đào Lê
Vỉa hè tại TP.HCM: từ thái cực này đến thái cực khác
SGTT.VN - Vỉa hè tại TP.HCM mang đặc trưng khó lẫn lộn với những nơi khác. Quá trình làm mới vỉa hè đã diễn ra ở nhiều nơi trong thành phố và vẫn đang được tiếp tục. Dưới nhiều góc độ, càphê kiến trúc lần này xin giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của người dân, các chuyên gia và nhà quản lý.
Tham gia trao đổi cùng Kiến Trúc & Đời Sống gồm có phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM Nguyễn Thị Hiền Lương; ông Diệp Văn Sơn, chuyên gia về cải cách hành chính nhà nước; ông Ngô Viết Nam Sơn, nhà nghiên cứu quy hoạch kiến trúc và ông Đàm Vũ Trí (người dân – bị khuyết tật).
Ông, bà nghĩ gì về vỉa hè của nước ta, trước hết là vỉa hè gần nhà nhất của ông, bà?
Ông Diệp Văn Sơn: Vỉa hè tại TP.HCM nhìn chung không phải là chỗ cho người đi bộ mà là nơi để mưu sinh. Đó là nơi phục vụ cho “nền kinh tế mặt tiền” như bày bán hàng, chỗ để xe khách, đặt bảng quảng cáo….
Ông Đàm Vũ Trí: Ở nước ngoài lề đường không hề bị lấn chiếm và người bộ hành thoải mái đi lại mà không hề phải “lọt” xuống lòng đường. Riêng ở nước ta vì việc “buôn gánh bán bưng” nên tình trạng lấn chiếm lề đường khó tránh khỏi.
Ông Ngô Viết Nam Sơn: Vỉa hè là một bộ phận quan trọng của đời sống và bản sắc đô thị Việt Nam. Nhưng trong một thời gian dài, người ta để cho nó phát triển tự do, dẫn đến những hệ luỵ không đáng có. Nếu thiếu một tầm nhìn tổng thể, người ta có thể làm rối thêm vấn đề, không những không giải quyết được các khó khăn (ví dụ tình trạng sử dụng lộn xộn, lấn chiếm, đào đắp vô tội vạ…), mà còn có thể làm mất đi những yếu tố tốt đẹp (sinh hoạt cộng đồng, giao tiếp xã hội, kinh tế nhỏ…)
Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Vỉa hè với chức năng chính của nó là nơi để đi bộ nhưng bị thực trạng hiện nay bị lấn chiếm quá nhiều. Thành phố đã có những đợt chỉnh trang vỉa hè. Quản lý trực tiếp là công việc của các quận, huyện. Tôi mong công tác quản lý được làm tốt hơn để vỉa hè thông thoáng, thực hiện đúng chức năng.
Nhìn rộng hơn, thực trạng vỉa hè của nước ta đang như thế nào trong cảm nhận và trải nghiệm hàng ngày của ông, bà?
Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Vỉa hè phải bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh nhưng việc xây dựng của mình đã đạt được các tiêu chí an toàn khi người dân sử dụng chưa? Ví dụ để so sánh là ở Úc, vòi chữa cháy đặt âm, tủ điện đặt sát vào bên trong không ảnh hưởng lối đi người dân, cây xanh bắt buộc phải có và mảng xanh 7m2/người họ có thể đạt được vì quỹ đất còn rất lớn.
Ông Ngô Viết Nam Sơn: Dưới góc độ quy hoạch kiến trúc, tôi thấy các nhà quản lý hiện nay đang đi từ thái cực này qua thái cực kia trong việc giải quyết các vấn đề của vỉa hè, từ trạng thái buông lỏng hoàn toàn sang tình trạng cố gắng quản lý quá chặt (cấm hoàn toàn hoặc thu phí hoàn toàn) một cách không thực tế. Thật ra, nhà quản lý nên phân loại các loại đường trong đô thị rồi xác định danh sách: (1) những con đường dứt khoát không cho phép buôn bán lấn chiếm vỉa hè và phạt rất nặng những ai vi phạm; (2) những con đường cho phép sử dụng vỉa hè một cách có quy hoạch, có đóng phí sử dụng; và (3) những con đường cho phép sử dụng vỉa hè mà không cần đóng phí, có những biện pháp an toàn giao thông cho người đi bộ, xem đó như là việc hỗ trợ cho kinh tế vỉa hè và giúp xây dựng bản sắc đường phố.
Nền “kinh tế vỉa hè” giúp rất nhiều cư dân thành thị mưu sinh, nhưng mặt trái của nó thì ông, bà nghĩ gì về điều này?
Ông Ngô Viết Nam Sơn: Như quan điểm đã nói, việc hỗ trợ cho nền “kinh tế vỉa hè” giúp cư dân thành thị mưu sinh không những nên mà còn cần thiết để tạo bộ mặt sinh động của sinh hoạt xã hội. Nhưng vấn đề là không nên để nền “kinh tế vỉa hè” phát triển tràn lan mà phải quy hoạch, phát triển đúng chỗ của nó. Lúc đó nền “kinh tế vỉa hè” có tác dụng tốt, ví dụ giúp phát triển những tuyến đi bộ thu hút du khách.
Ông Diệp Văn Sơn: Mặt trái của “kinh tế vỉa hè” là mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng, bát nháo, thiếu văn minh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ như mất an toàn giao thông, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm…
Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Cái được của các hộ lấn chiếm vỉa hè là thu nhập nhưng cái hại là xã hội phải gánh chịu những hệ quả từ việc lấn chiếm đó. Ví dụ như một người đi bộ gặp vỉa hè bị lấn chiếm phải đi xuống lòng đường và gặp tai nạn thì ai sẽ phải bồi thường cho người đó? Nếu vỉa hè thông thoáng, không bị chiếm dụng thì nhà nước sẽ đỡ một khoản tiền lớn để chỉnh trang mỹ quan đô thị.
Những tiện ích công cộng trên vỉa hè hiện nay như trạm xe buýt, thùng rác, máy ATM… được ông, bà sử dụng như thế nào và đánh giá ra sao?
Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Các tiện ích này chưa đủ sức phục vụ nhu cầu thực tế của người dân. Một phần ý thức người dân còn quá kém, ví dụ như: trụ ATM còn gặp những kẻ trộm, thùng rác có khi bị đập phá và trạm xe buýt chưa sạch sẽ do bị xả rác. Nghị định 34 ra đời để đảm bảo an toàn giao thông và cũng đã có các đoàn kiểm tra nhưng chưa thực sự làm nghiêm.
Ông Diệp Văn Sơn: Trong ấn tượng chung của tôi, nhiều trạm xe buýt hiện nay là điểm kín đáo để trở thành… nhà vệ sinh, nhiều thùng rác bỏ không trong khi rác lại được xả bên ngoài. Nói chung, có vẻ như những vấn đề này vẫn chưa được các cơ quan nhà nước quan tâm đúng mức lẫn ý thức người dân chưa cao.
Ông Ngô Viết Nam Sơn: Những tiện ích này dù chưa hoàn hảo, nhưng tôi cho là đang được phát triển đúng hướng.
Thảm xanh – điều mà thành phố đang thực hiện trên các vỉa hè, bờ tường sát vỉa hè – có làm ông, bà cảm thấy hài lòng hơn và chúng đã thực sự đủ và đẹp chưa?
Ông Diệp Văn Sơn: Tôi hài lòng khi vỉa hè có thêm thảm xanh nhưng vẫn còn ít quá, chưa tạo được hiệu quả cao.
Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Thảm xanh chưa nhiều và cần thực hiện nhiều hơn và đó không chỉ là chức năng của cơ quan nhà nước mà cả người dân tham gia cùng trồng cùng bảo vệ. Ngân sách còn quá ít, không phủ xanh được toàn bộ thì ý thức của người dân để mỗi căn nhà, góc phố thêm màu xanh tạo không khí trong lành hơn, thành phố được tản nhiệt tốt hơn sẽ giúp mảng xanh thành phố phát triển.
Ông Ngô Viết Nam Sơn: Hai mặt tích cực nhất của các thảm xanh dọc vỉa hè là tạo cảnh quan đẹp, lọc bớt tiếng ồn, khói bụi và giúp nước thẩm thấu qua đất mau hơn, giúp giảm ngập trong thành phố. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tình trạng một số nhà thầu làm dối, chỉ phủ một lớp đất mỏng lên nền bêtông đá cũ, thay vì phải phá bỏ lớp bêtông này để nước có thể thật sự thẩm thấu xuống nền đất bên dưới.
Ông Đàm Vũ Trí: Riêng mảng xanh thì tôi rất đắc ý vì nó đã làm cho bộ mặt lề đường tươi đẹp hơn. Tôi nghĩ thành phố nên đẩy mạnh việc xanh hoá vỉa hè.
Vỉa hè còn có lối đi cho người khuyết tật, ông bà thấy các vỉa hè tại thành phố có phần thiết kế này giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng đã đủ chưa? Nếu đủ/chưa thì tại sao? Ông,bà nghĩ cần có những thay đổi gì để chúng tốt hơn?
Ông Đàm Vũ Trí: Tôi xin có đóng góp nhỏ khi tôi từng thấy vỉa hè bên Nhật Bản. Họ vẫn có “hành lang” cho người khiếm thị (ở giữa lề đường với hàng gạch nổi để người khiếm thị rà gậy khi di chuyển), và mỗi triền lề tại các ngã tư đều được hạ thấp bằng ngang mặt đường, nhất là tại mỗi ngã tư có tín hiệu giao thông đều có nhạc hiệu để người khiếm thị nhận biết mà lưu thông qua đường. Còn ở Việt Nam tôi cũng thấy có lối dành riêng cho người khiếm thị nhưng hình như đó chỉ là “làm cho đẹp, cho có” vì lối đi không phù hợp. Ví dụ như đoạn trên đường Nguyễn Văn Trỗi đến góc đường Huỳnh Văn Bánh, lối đi của người khiếm thị bị ngắt ngang và “lủi” vào hàng rào của nhà dân. Còn lối đi trên cầu Nguyễn Văn Trỗi thì thật là “hết ý” vì lối lên xuống không có (chỉ người bình thường mới nhìn thấy mà bước lên và bước xuống).
Ông Diệp Văn Sơn: Đã có một số nơi vỉa hè có lối đi cho người khuyết tật nhưng theo tôi chúng chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế và thiếu tính đồng bộ.
Ông Ngô Viết Nam Sơn: Tôi cho là việc thiết kế vỉa hè cho người khuyết tật (và đồng thời cũng thuận tiện cho phụ nữ với xe đẩy trẻ em) phải được xem là một trong những yêu cầu cơ bản của việc rót kinh phí xây dựng hoặc cải tạo vỉa hè tại Việt Nam từ đây về sau.
Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Sở chỉ đạo người thực hiện mảng xanh phải chú ý không xâm phạm vào lối đi người khuyết tật. Tuy nhiên, lối đi dành cho người khuyết tật còn quá ít và chưa đồng bộ. Tín hiệu đèn qua đường hiện nay chỉ dành cho người bình thường thì những người khiếm thị làm sao biết được. Các nước có hệ thống giao thông tốt mà tôi đến khảo sát đều có hệ thống tín hiệu âm thanh trong khi chúng ta chưa có.
Ông, bà gửi và tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của mình về việc quản lý vỉa hè như thế nào?
Ông Đàm Vũ Trí: Vấn đề quản lý vỉa hè thì nên giao về cho từng địa phương với trách nhiệm rõ ràng, tuỳ tình hình thực tế ở mỗi địa phương vì lề đường ở mỗi nơi mỗi khác (độ rộng) như vậy việc quản lý sẽ dễ dàng và thiết thực nhất.
Ông Diệp Văn Sơn: Theo như tôi biết, các quốc gia đều có luật để quản lý vỉa hè và chúng ta cũng thế. Có luật mà không thực hiện thì sẽ dẫn đến những bất cập. Ví dụ như làm nghiêm nghị định 34 thì sẽ có nhiều hộ, cơ sở buôn bán hay doanh nghiệp đang lấn chiếm vỉa hè sẽ bị phạt nhưng mức phạt quá cao nên nhiều nhân viên nhà nước thừa hành… không nỡ.
Ông Ngô Viết Nam Sơn: Tôi không có tâm tư nguyện vọng gì mà chỉ có vài lời khuyên cho các nhà lãnh đạo của tất cả các đô thị trên toàn quốc về hiệu quả mỹ quan và kinh tế chất liệu bề mặt vỉa hè: 1- Chỉ nên sử dụng chất liệu đắt tiền (ví dụ đá granit ốp lát) cho các con đường quan trọng, đã ổn định về mặt xây dựng hạ tầng, và không cần đào đắp trong tương lai để cải tạo mở rộng hệ thống hạ tầng. 2- Không nên dùng quá nhiều chủng loại và màu sắc gạch vỉa hè cho một đô thị, xem việc ốp lát vỉa hè như việc trang trí phòng ốc trong nhà, vì ít khi đạt hiệu quả về độ bền, và khi cần thay thế thì thường sẽ không đồng bộ về chất liệu và màu sắc . 3- Không nên hiểu sai là chỉ có vỉa hè lát mới thì mới là đẹp. Khi đô thị phát triển, vỉa hè thường được xây dựng cùng lúc với kiến trúc, và trở thành một thành phần của bao cảnh kiến trúc. Do đó, ở khu trung tâm lịch sử thì việc giữ lại và tôn tạo những vỉa hè láng ximăng theo kiểu cổ lại tương hợp hơn là miễn cưỡng thay thế nó bằng vỉa hè gạch đủ màu như nhiều nơi đang làm hiện nay. 4- Các khu vực đang còn tiếp tục xây dựng và phát triển trong tương lai gần, còn phải đào đắp vỉa hè nhiều lần để cải tạo nâng cấp hạ tầng, thì nên thiết kế sao cho sau khi đào đắp, vẫn có thể tái sử dụng vật liệu phủ bề mặt đã sử dụng trước đó (ví dụ đan bêtông bề mặt ximăng có khía), để tiết kiệm chi phí xây dựng và thời gian thi công.
Bà Nguyễn Thị Hiền Lương: Ngoài góc độ của tám giờ vàng ngọc làm quản lý thì mong muốn của tôi như bao người dân khác. Tôi cũng mong báo chí chuyển tải những nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của người dân, những lời khuyên sâu sắc của các chuyên gia đến cơ quan quản lý để thay đổi những vấn đề chưa tốt, và ngược lại, báo chí cũng đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền nâng cao ý thức để người dân ý thức hơn khi sử dụng, bảo vệ các tiện ích công cộng nói chung và vỉa hè nói riêng.
Cảm ơn quý ông, bà!
Quốc Ấn (ghi)
Bộ môn ngoạn thạch (chơi đá cảnh) đã xuất hiện từ rất lâu ở những nước Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan… Ở Việt Nam những năm gần đây, giới sưu tầm ngoạn thạch ngày càng nhiều, nhất là khi phong trào ứng dụng phong thuỷ trong nội thất nở rộ, đá cảnh trở thành một mặt hàng trang trí hữu dụng mà nhiều người nhắm đến. Thị trường đá cảnh dần lên ngôi.
Sự kết hợp giữa chất liệu và điêu khắc để tạo thành một tác phẩm đẹp hoàn hảo.
Việt Nam có một nguồn nguyên liệu khá dồi dào các chủng loại đá bán quý, với những đường vân phối màu sắc đẹp hơn tranh vẽ, với những tên gọi quen thuộc như đá turquoise, chalcedony, jasper, thạch anh, agate, jade, garnet… Ở mỗi vùng miền, mỗi người lại có cách chơi đá cảnh khác nhau, người giữ nguyên dáng vẻ trời cho của đá, người lại thích gia công, sơ chế để lột tả vẻ đẹp sâu kín của các đường vân đá tạo ra. Và riêng trong lĩnh vực trang trí nội thất, những dòng đá thiên nhiên có vân đẹp đang được ưa chuộng bởi nét đẹp của từng viên đá đều khác nhau, và vẻ đẹp ấy rất dễ cảm nhận với nhiều người.
Nói riêng trong lĩnh vực đá quý, đá bán quý, vẻ đẹp của một viên đá chính là từ những đường vân của nó. Chỉ với mục đích chính là trang trí nội – ngoại thất, nhưng đá cảnh ở dòng bán quý thường được định danh bằng tên gọi phổ biến là đá phong thuỷ. Từ những viên đá có lớp vỏ bọc ngoài xù xì, thô ráp, nhưng qua bàn tay của người thợ thủ công, chỉ với những động tác đẽo, mài, gọt giũa, lớp vỏ bọc xấu xí bị loại đi để lột tả hết những vẻ đẹp diệu kỳ của từng chủng loại đá thiên nhiên. Chính vẻ đẹp trời cho ấy là một sức cuốn hút lớn với những nhà sưu tầm đá cảnh, những người yêu thích đá thiên nhiên.
Ở Sài Gòn, lượng người chơi đá bán quý, đá phong thuỷ đang tăng nhanh theo thời gian, nhưng lại thường vấp phải một rào cản lớn đó là kiến thức về đá thiên nhiên lại không nhiều. Ngay cả những nguồn tài liệu, sách vở viết về nghệ thuật chơi đá cảnh cũng khan hiếm. Trong khi đó, lượng đá giả, đá nhân tạo được nhập vào ồ ạt, bày bán vô tội vạ khiến cho thị trường chơi đá phong thuỷ trong trang trí nội thất càng trở nên rối rắm, phức tạp, khó phân định thật giả. Ông Ba Vạn, chủ nhân của một phòng trưng bày về đá quý, đá phong thuỷ số 4 Bà Huyện Thanh Quan, với thâm niên hơn 30 năm sưu tầm và làm việc trong lĩnh vực đá quý, đá bán quý – cho biết: “Bộ môn chơi đá cảnh ở Việt Nam mới phát triển sau này, trước kia có một số lượng rất lớn nguồn nguyên liệu thô được khai thác và bán ra nước ngoài, sau đó được chế tác và nhập ngược trở lại Việt Nam bày bán với giá rất đắt…”
Các dạng đá phong thuỷ thường dùng trong trang trí nội thất
Ý đồ hình thành nên một phòng trưng bày đá quý, đá thiên nhiên của ông Ba Vạn cũng bắt đầu từ đam mê chơi đá. Phòng trưng bày được tập hợp đủ các loại đá từ khắp vùng miền trong cả nước, tất cả đều đã qua sơ chế, đánh bóng, tôn lên vẻ đẹp của từng loại, từ nét xanh quyến rũ của jasper, đến những gam màu trắng, xanh, tím… kỳ ảo quyện vào nhau của chalcedony, turquoise, màu đỏ huyền bí của ammolite, hay sự tinh khiết với sắc trắng của thạch anh… Ông Ba Vạn chia sẻ thêm: “Muốn chơi đá, phải hiểu kỹ về nó mới thấy hết được vẻ đẹp của từng chủng loại. Đá thiên nhiên của Việt Nam mình phong phú lắm, hiểu về nó đã khó, sở hữu được nó cũng khó, làm thế nào để người khác nhìn vào thấy được vẻ đẹp toàn bích của nó thì càng khó hơn. Hầu hết đá thiên nhiên có vẻ ngoài xấu xí lắm, nhưng biết mài giũa đến đâu thì dừng, cắt gọt sao cho hình dáng của khối đá trông thật đẹp nhưng vẫn mang nét tự nhiên, đấy mới là kinh nghiệm của người chơi đá, chế tác đá”.
Đá cảnh thiên nhiên đã qua sơ chế đang là lựa chọn để khoả lấp đi những góc chết của căn nhà, vừa mang yếu tố phong thuỷ, vừa mang yếu tố trang trí. Việc trưng bày những dòng đá này cũng không đòi hỏi sự sắp đặt cầu kỳ, phức tạp. Chất liệu đá, cùng vẻ đẹp đã được lột tả bằng kỹ thuật đánh bóng và nét đẹp ấy là vĩnh cửu, vì vậy những dòng đá phong thuỷ, đá bán quý lấy từ thiên nhiên đang được ưa chuộng sử dụng rộng rãi. Anh Đinh Khắc Duy, điều hành chuỗi cửa hàng bày bán đá quý, đá phong thuỷ ở S12 – 1 Nguyễn Văn Linh, quận 7, cho biết: “Người sưu tầm bây giờ tập trung vào đá phong thuỷ tự nhiên khá nhiều, bởi mỗi viên đá lại có nét vân khác, vẻ đẹp khác. Và nó đẹp theo từng cảm nhận của mỗi người. Nhất là những tấm đá chẻ, đá phiến thuộc dòng agate, chalcedony, chrysocolla… mỗi viên đá như một bức tranh độc bản, thường được nhiều người chọn mua vì rất dễ trưng bày trong không gian nội ngoại thất”.
Bài và ảnh: Thiên Ý
Ngày 15.12.2010, hội đồng đánh giá xếp hạng đã xét từ 22 phương án dự thi để chọn tám phương án vào vòng trong. Đồng thời, các phương án này cũng được góp ý hoàn thiện lại. Ngày 15.1.2011, hội đồng đánh giá xếp hạng đã chọn được năm phương án trao thưởng gồm: hai giải B là “Tìm chút yên tĩnh cho con phố xưa” và “Sự thay thế”; ba giải C là “Trạm xanh”, “Light dance” và “Đại lộ Đông Tây – con đường và những cây cầu”.
KT&ĐS đã trao đổi với KTS Hồ Văn Phúc, đại diện cho nhóm ACSD Group đạt hai giải B và KTS Trương Nam Thuận đạt giải C với phương án “Đại lộ Đông Tây – con đường và những cây cầu”.
KTS Hồ Văn Phúc: Hạnh phúc cho một sinh viên mới ra trường
Nhóm tham gia cuộc thi lần này là các thành viên nòng cốt của ACSD Group. Chúng tôi phần lớn là kiến trúc sư khoá 2005 của trường đại học Kiến trúc TP.HCM. Các thành viên này hiện nay đang công tác ở nhiều đơn vị khác nhau và nhóm cũng đang thực hiện một số công trình công cộng, nhà ở… Ngoài ra, ACSD còn có các bạn sinh viên các khoá sau (chưa ra trường), thường là nerge (người phụ giúp) khi chúng tôi còn đi học. Bên cạnh công việc thường nhật của kiến trúc sư, ACSD rất quan tâm tham gia các cuộc thi khác trong và ngoài ngành kiến trúc. Vì đây là cơ hội tốt để nhóm thể h iện những ý tưởng mới, những sáng tạo của kiến trúc sư trẻ đầy nhiệt huyết mà môi trường công việc hiện tại cũng như trong lúc ngồi trên ghế nhà trường không có được.
Việc các phương án được giải lần này đều rơi vào đại lộ Đông Tây là một sự trùng hợp nhưng không có gì bất ngờ. Chúng tôi quan tâm rất nhiều đến hiện trạng kiến trúc, quy hoạch của thành phố. Trong đó, đại lộ Đông Tây có nhiều vấn đề mà các thành viên băn khoăn từ lâu và nay mới có dịp thể hiện ý tưởng của mình. Bản thân tôi, lần đầu tiên đi dọc tuyến đường này đã rất ngạc nhiên vì con đường quá lớn như vậy nhưng lại được đặt quá gần khu dân cư… Vậy thì những hệ luỵ của nó như vấn đề an toàn giao thông, tiếng ồn, khói bụi nên được giải quyết ra sao đây? Hay trong một dịp may mắn được tham gia vào đề án cải tạo cảnh quan dòng kênh Tẻ và đại lộ Đông Tây, chúng tôi được biết rằng, việc trồng cây lớn dọc đường là không khả thi. Và các thành viên khác cũng có nhiều trăn trở riêng về tuyến đường này. Mặt khác, đây là tuyến đường giao thông quan trọng kéo dài hơn 20km, nối quốc lộ 1A và xa lộ Hà Nội. Việc xây dựng tuyến đường này sẽ giúp hạ nhiệt ùn tắc giao thông nội thị đồng thời cũng mang đến một diện mạo mới cho các khu dân cư với hàng chục ngàn hộ sống lân cận. Do đó, đại lộ có sự ảnh hưởng rất lớn và rất thực tế đến đời sống người dân thành phố mang tên Bác. Chúng tôi cho rằng, những vấn đề liên quan đến đại lộ cần được chú tâm giải quyết và đây là một dịp may cho nhóm ACSD.
Thực sự, ACSD quan tâm rất nhiều vấn đề liên quan đến khu vực đại lộ Đông Tây và cả trên phạm vi thành phố. Chúng tôi cũng đã triển khai khá nhiều ý tưởng liên quan đến đại lộ và những nơi khác trong thành phố. Chúng tôi hy vọng những ý kiến của mình được các cấp lãnh đạo quan tâm nhằm mang lại những không gian sống tốt hơn, thân thiện với thiên nhiên hơn, nhân bản hơn cho người dân trong khu vực, cho thành phố dưới góc nhìn của người dân sở tại hay các quan khách khắp nơi đến thăm TP.HCM dù chỉ một lần.
Do đó, hai đề xuất đạt giải B chỉ là một phần được đầu tư khá tốt trong các ý tưởng mà nhóm đưa ra mà thôi. Nhóm đã nhiều lần họp để phát triển các ý tưởng và chọn ra một số ý tưởng có sức hấp dẫn, sáng tạo và khả thi cao để phát triển. Những ý tưởng khác vẫn còn trong thời gian ấp ủ nên vẫn chưa đủ “chín” để tham gia lần này. Đành hẹn kỳ sau.
Cá nhân tôi hiểu rằng việc thực hiện một dự án phải trải qua nhiều thủ tục để đảm bảo tính hiện thực của nó. Chúng tôi sẵn sàng chờ đợi để những đứa con tinh thần của mình có cơ hội đóng góp cho cộng đồng. Nếu được phép, xin các cấp lãnh đạo thành phố tạo điều kiện để những đồ án dự thi được sớm đi vào thực tế, tạo ra lợi ích cho người dân. Đồng thời, chúng tôi cũng mong các cơ quan truyền thông, đặc biệt là tạp chí KT&ĐS quan tâm thường xuyên và liên tục để ý tưởng này đến với cộng đồng dân cư càng sớm càng tốt, giúp người dân hiểu, đồng cảm với những ý tưởng khoa học hữu ích, gần gũi với thiên nhiên, để từ đó đồ án này nhanh đi vào thực tế. Ngược lại, chúng tôi cũng rất vui mừng khi nhận được đóng góp của đồng nghiệp, của cộng đồng về những ý tưởng đã nêu để chúng tôi tiếp thu, hoàn chỉnh những khiếm khuyết có thể có của đồ án. Những đóng góp này sẽ vô cùng quý giá đối với chúng tôi, để chúng tôi tự tin hơn trong công việc.
Bản thân tôi là sinh viên mới ra trường với hành trang là những kiến thức vừa tiếp thu được từ nhà trường, với lòng nhiệt tình mong muốn sớm được đóng góp cho cộng đồng những công trình hữu ích... Tuy nhiên, với vị trí và kinh nghiệm của một tân kiến trúc sư thì cơ hội được đóng góp là rất hạn chế. Khi biết được hội Kiến trúc sư thành phố mở ra một sân chơi cho những kiến trúc sư trẻ với chủ trương kết nối chúng tôi với những cơ hội mong ước… đã mở ra một hy vọng rõ ràng cho chúng tôi. Tại đây, những ý tưởng của các kiến trúc sư trẻ được các thế hệ đi trước xem xét một cách tận tình, đã đánh giá, hỗ trợ phát triển để tăng tính thực tế cho đồ án. Qua một cuộc thi, tôi thấy mình có cơ hội tiếp thu kiến thức, tiệm cận với hiện thực hơn, giúp tôi chín hơn trong những đồ án sắp tới. Đó là hạnh phúc đối với một sinh viên mới ra trường!
KTS Trương Nam Thuận: Mong có nhiều sân chơi cho các kiến trúc sư trẻ
Tôi sinh năm 1983, sinh sống tại Phú Nhuận và tốt nghiệp đại học Kiến trúc năm 2006. Trong thời gian học đại học, tôi tích cực tham gia các cuộc thi, tìm cách tham gia các chương trình huấn luyện, giao lưu, tham quan… nên đã có cơ hội đi một số thành phố lớn ở nước ngoài. Đi và so sánh mới thấy cái hạn chế rất rõ của thành phố ta là thiếu không gian sinh hoạt công cộng. Người dân hầu như phải thưởng thức các chương trình lễ tết trong những điều kiện không gian có nhiều bất cập. Chẳng hạn như, hiện nay TP.HCM chỉ có một không gian gần như duy nhất là ngăn đường Nguyễn Huệ để làm đường hoa, biến thành không gian vui chơi trong thời gian vài ngày. Tôi nhớ đêm giao thừa, hai vợ chồng tôi phải cực nhọc tìm nơi gửi xe máy rồi chen chúc nhau mà không tìm được một chỗ đứng ngắm pháo hoa. Rất nhiều người xung quanh tôi cũng chen chúc như vậy trong thời khắc thiêng liêng đón năm mới!
Với đại lộ Đông Tây, cầu Khánh Hội không chỉ là kết nối giao thông quận 1 và quận 4 mà còn giữ vị trí quan trọng trong việc thiết lập hình ảnh của đại lộ, là vị trí giao cắt giữa đại lộ với sông Sài Gòn ngay ở khúc uốn quanh rất đẹp. Theo tôi, đây là nơi có góc nhìn ra sông đẹp nhất hiện tại ở thành phố này. Xung quanh cầu là nhiều công trình điểm nhấn có giá trị biểu tượng. Vì vậy, đây là nơi thích hợp cho không gian sinh hoạt văn hoá vào dịp lễ hội.
Từ đó, tôi đưa ra phương án tạo quảng trường kết hợp vỉa hè đi bộ tạo cho khu vực cầu Khánh Hội thành nơi sinh hoạt cộng đồng dịp tết, đặc biệt là vào lúc xem bắn pháo hoa đêm giao thừa. Giải pháp là tạo một hành lang cho khách bộ hành kết nối hiệu quả từ công viên bờ sông Sài Gòn cho đến bến Nhà Rồng và quảng trường gần bờ sông, tránh giao cắt với giao thông cơ giới. Tôi rất vui vì phương án đề xuất được đóng góp của các kiến trúc sư đàn anh và tôi cũng hiểu, từ ý tưởng đến thực tế còn rất nhiều điều phải chứng minh, xử lý.
Tuy nhiên, theo hiểu biết của tôi, các cuộc thi như vậy ở nước ngoài là rất thường xuyên. Ở nhiều thanh phố lớn trên thế giới, việc quy hoạch và kiến trúc đã có thể gọi là ổn định, người ta vẫn tổ chức những sân chơi như vậy để giúp kiến trúc sư nhìn ra những vấn đề về kiến trúc, về quy hoạch.Tôi mong ở TP.HCM ngày càng có nhiều sân chơi bổ ích như vậy cho các kiến trúc sư.
Patkau Architects của Vancouver đã thắng trong cuộc thi thiết kế sáu ngôi nhà ở tại khu bảo tồn xung quanh ngôi nhà Fallingwater của Frank Lloyd Wright ở Pennsylvania.
Ban giám khảo đã chọn Patkau Architects đến từ Vancouver, British Columbia, là người thắng cuộc của cuộc thi thiết kế đầu tiên cho việc hỗ trợ các chương trình giáo dục tại kiệt tác của Frank Lloyd Wright ở Fayette County. Người chiến thắng thứ nhì của cuộc thi là Phoenix, Ariz.-based Wendell Burnette Architects, và Olson Kundig Architects từ Seattle, bang Washington, đã được chọn là người xếp thứ ba.
Đồ án đoạt giải của Patkau Architects về sáu ngôi nhà nhỏ hội đủ các yếu tố hiệu quả và bền vững sẽ được đưa ra làm cơ sở luật định cho việc thực hiện thực tế và gây quỹ. Ban giám khảo nói về đồ án đoạt giải :“Với một sự tinh tế, đồ án này rất linh hoạt và nó chuyển tải thông điệp về những gì mà kiến trúc có thể làm được” và “Sức mạnh của đồ án này không chỉ ở những gì mà nó chuyển tải được mà nó còn ở những gì mà đồ án này không chuyển tải”. Fallingwater đang lớn và vẫn đang phát triển, với các thiết kế của Patkau Architects, Fallingwater sẽ phát triển một cách bền vững với tiêu chí “một thiết kế tốt trong sự hài hoà với thiên nhiên”.
Tổng hợp: KTS Phạm Gia Vinh

No comments:

Post a Comment