Wednesday, March 9, 2011

Thành phố lăng mộ

An Bằng, một làng chài nhỏ thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế, được ví như “vương quốc cõi âm” với những khu lăng mộ trị giá cả trăm ngàn đôla…

Trước khi dẫn chúng tôi đi tham quan “thành phố lăng mộ”, ông Đặng Văn Tâm, một bậc cao niên trong làng, dặn dò: “Ở đây lăng mộ rộng lớn, đồ sộ và được bài trí rắc rối, giống như ma trận vậy. Các chú cố gắng đi sát theo tôi, đừng quá mải chụp ảnh mà lạc đường đó”.

Những ngôi mộ tiền tỉ

“Vương quốc cõi âm” An Bằng có quy mô đồ sộ, với diện tích rộng hơn 40 ha, được khoanh làm bốn vùng rộng lớn gồm Bằng Thượng, Trung Hải, Định Hải và An Mỹ. “Làng này tổng cộng có 44 họ tộc với lịch sử gần 500 năm. Con cháu các họ tộc đều đã góp tiền xây dựng nhà thờ và lăng mộ họ tộc của mình, mỗi lăng họ tộc có kinh phí xây dựng phải từ 500 triệu đồng trở lên” - ông Tâm tự hào.

Hàng ngàn công trình được thiết kế như lăng mộ vua chúa thời xa xưa với những cột trụ, tháp chuông cao chọc trời. Chính quyền địa phương cho biết những năm 90 của thế kỷ trước, những người An Bằng định cư ở nước ngoài ăn nên làm ra ồ ạt gửi tiền về xây lăng mộ báo hiếu. Do địa phương chưa có quy hoạch nên mạnh ai nấy làm, từng nhà, từng dòng tộc thi nhau giành đất để xây lăng, đắp mộ. Có nhiều ngôi mộ diện tích lên tới cả ngàn mét vuông. Chỉ trong một thời gian ngắn, những cồn cát xưa kia đã được bít kín bằng lăng mộ. Lăng mộ “bao vây” nhà ở người dân, dường như nơi đây không có ranh giới giữa người sống và người chết.

Những ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa “Thành phố lăng mộ” hiện đại. Ảnh: NGUYÊN LINH

10 năm trước, gia đình ông Lê Ph. xây lăng cho cha mẹ mình hoành tráng, phỏng theo kiến trúc cổ điển ở châu Âu làm cả làng ai cũng nể. Chủ nhân ngôi biệt thự này cho biết để làm được mẫu lăng này, ông phải nhờ kỹ sư thiết kế mấy tháng trời. Rồi năm 2003, con cháu họ Nguyễn góp tiền xây mộ cho ông thủy tổ Nguyễn Văn Lĩnh, thời gian xây dựng mất gần một năm mới hoàn thành. Lăng mộ họ Nguyễn rộng hơn ngàn mét vuông, được chạm khắc phù điêu công phu, lộng lẫy với kinh phí xây dựng gần tỉ đồng. Những năm tiếp theo, các họ Trương, họ Hoàng, họ Đặng đua nhau đầu tư xây dựng nhà thờ, lăng mộ của họ của mình với số tiền lớn gấp nhiều lần những lăng mộ được xây dựng trước đó. Riêng việc tu bổ nhà thờ họ Trương đã mất thời gian ròng rã gần hai năm, ngốn hết hơn 70.000 đôla Mỹ.

“Phú quý sinh lễ nghĩa”

Nhiều người xây lăng mộ cho cha mẹ mình chi phí hết hai, ba trăm triệu đồng, lăng vẫn còn mới nhưng gia chủ đã thuê người phá bỏ đi để xây lại lăng mới to đẹp hơn chỉ vì lăng cũ nằm chưa đúng hướng.

Những ngày này, người làng An Bằng cứ xôn xao chuyện dòng họ Lê phá lăng cũ xây lăng mới trị giá cả trăm ngàn đôla. Nhiều người phân tích rằng con cháu họ Lê định cư ở nước ngoài nhiều nhất nhì làng, làm ăn lại khấm khá nên bàn nhau đập lăng cũ xây lăng mới cho “bằng chị, bằng anh”, vừa để báo hiếu công đức tổ tiên, vừa thể hiện “đẳng cấp” của dòng họ mình. “Các chú lên đó mà coi, họ Lê xây lăng to dữ lắm. Nghe đâu dự tính hơn 150.000 đôla, tiền móng đã tốn hết 200 triệu đồng” - một người làng nói.

Gia đình ông Văn K. đang thuê người đập bỏ lăng cũ để xây lăng mới to hơn, đẹp hơn, trị giá hơn 30.000 đôla. Cách đó không xa là công trình lăng mộ đồ sộ của nhà bà Huỳnh Thị G., diện tích rộng hơn trăm mét đã xây gần xong phần thô. Người bà con trông coi việc xây lăng cho biết dự tính trọn gói hết khoảng 40.000 đôla.

Vợ chồng ông X. đã xây lăng cho mình với chi phí gần một tỉ đồng. Ảnh: NGUYÊN LINH

Những năm trở lại đây, ngày càng có nhiều người An Bằng bắt chước vua chúa thời xưa xây lăng mộ cho mình từ khi còn sống, mỗi lăng từ 500 triệu đến cả tỉ đồng. Theo quan niệm của dân làng, xây lăng cho người còn sống là để khi người nhà chết không phải lo tiền xây lăng; vả lại xây trước bao giờ cũng cẩn thận, đàng hoàng hơn. Quan trọng hơn là thỏa mãn ý thích của gia chủ. Ông Phan Ch. (72 tuổi), người có bốn người con định cư ở Mỹ, đã lo nơi yên nghỉ của mình về sau bằng việc đi tìm đoàn thợ lành nghề về xây lăng cho mình. Hiện nay, ông Ch. đã là chủ nhân của khu lăng mộ đồ sộ, sát con đường liên thôn.

Hằng ngày, người làng vẫn thấy ông Ch. dạo bước ra khu nghĩa địa để trông coi, quét dọn ngôi “biệt thự” của mình. Hàng xóm với ông Ch. là gia đình ông V. nhìn bề ngoài có phần bề thế, giàu có hơn chút ít. Bà T., vợ ông V., kể: “Hai năm trước, mấy đứa con về thăm quê và đưa vợ chồng tôi đi khắp nơi chọn kiểu lăng ưa thích rồi thuê thợ về làm mất hơn một năm mới xong. Nghe mấy đứa con nói chi phí hết 50.000 đôla tất cả”.

Còn cảnh trái ngang

Trong khi những người no đủ của làng An Bằng thi nhau đổ tiền hàng trăm triệu đồng để xây lăng, đắp mộ cho người thân thì bốn mẹ con chị Lê Thị Xưng (51 tuổi) đang phải chạy ăn từng bữa, âu lo vì ngôi nhà sẽ sập bất cứ lúc nào. “Giờ đến miếng ăn còn chưa lo nổi nói chi đến chuyện xây lăng mộ. Chừ tui chỉ cầu mong ai đó thương tình giúp đỡ ít tiền sửa lại mái nhà để mẹ con yên tâm trú mưa bão mà thôi” - chị Xưng ngậm ngùi.

Đoàn xe trâu đang khẩn trương kéo vật liệu ra nghĩa địa để kịp xây lên những “ngôi biệt thự”. Ảnh: NGUYÊN LINH

Vợ chồng anh T. cùng chung cảnh nghèo. 15 năm nay vợ chồng anh phải mượn căn nhà xập xệ của gia đình vợ để sống tạm. Vợ chồng anh lao động đầu tắt mặt tối, quần quật suốt ngày đêm mà không nuôi đủ chín miệng ăn, trong đó có bốn đứa con đang đi học. “Thấy người ta đổ hàng trăm triệu đồng xây lăng, biệt thự cho người chết trong khi gia đình mình không có một căn nhà nhỏ để ở thấy cũng buồn và xót xa cho phận nghèo. Ước chi tui có vài chục triệu đồng thôi để xây một căn nhà nhỏ cho vợ con khỏi lo lắng khi mưa bão” - giọng anh T. buồn bã.

Tưởng rằng việc xây lăng mộ tốn kém tiền tỉ như vậy thì đời sống bà con làng An Bằng chắc hẳn đều rất sung túc, no đủ cả. Nhưng theo ông chủ tịch xã Phạm Bình Tịnh thì làng An Bằng vẫn còn 79 gia đình thuộc diện nghèo. Hàng trăm tỉ đồng được bà con đổ ra để xây “thành phố lăng mộ” nhưng còn nhiều người dân trong làng vẫn ở trong những căn nhà xiêu vẹo, tạm bợ.

Ngày 29-7-2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn đến năm 2015, quy định chỉ tiêu đất dành cho mỗi mộ hung táng chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2/mộ, mộ cải táng tối đa không quá 3 m2/mộ. Tuy nhiên, ở làng An Bằng, hàng trăm ngôi lăng mộ vẫn đua nhau mọc lên với diện tích lên tới cả trăm mét vuông/mộ mà không có bất cứ sự can thiệp, xử lý nào từ chính quyền địa phương.

“Khó để thực hiện quyết định của UBND tỉnh được vì nếu chỉ tiêu đất dành cho mỗi mộ hung táng, chôn cất một lần mà tối đa không quá 5 m2/mộ thì không thực hiện được với địa hình là đất đồi cát. Hơn nữa, chuyện xây dựng lăng mộ với diện tích lớn của người dân nó mang tính “lịch sử”, gắn với tập quán nên khó mà thay đổi ngay được. Nói thật, những việc đụng đến tâm linh người chết thì ai cũng sợ, không dám can thiệp mạnh tay” - ông Phạm Bình Tịnh, Chủ tịch xã Vinh An, cho biết















"Thành phố lăng mộ" ở Huế
Con đường nhỏ hẹp dẫn vào làng An Bằng (xã Vinh An, Phú Vang, Huế) dài chừng 2 km được bao bọc bởi hàng ngàn ngôi mộ đồ sộ, màu sắc rực rỡ, đủ loại kiến trúc.

"Mê cung" biệt thự
Con đường nhựa nhỏ kéo từ quốc lộ 49B đến cổng làng An Bằng chạy xuống tận bờ biển chia nghĩa địa đặc biệt này thành 2 nửa dọc theo bờ biển. Ngoài con đường này, chỉ có những đường mòn nhỏ, ngoằn ngoèo giữa lớp lớp lăng mộ dày đặc, giống hệt nhau bởi màu sắc và kiến trúc pha tạp cầu kỳ.
Người từ nơi khác đến rất dễ lạc trong "thành phố của người chết" này, bởi nếu đi hướng này năm chục mét thấy bốn bề là lăng mộ, đi hướng khác một quãng ấy cũng chỉ thấy lăng là lăng, nhìn đâu cũng thấy những lớp tường chạm trổ đủ màu.
Ngay dọc đường làng, có nhiều lăng mộ cao lớn rộng hàng trăm m2 nằm xen giữa những ngôi nhà 2 - 3 tầng; rất khó phân biệt đâu là nhà người sống, đâu là nơi ở của người chết.
Người làng An Bằng kể, trước đây, bao quanh làng chỉ là những bãi cát trắng mênh mông. Khoảng chục năm nay, không còn thấy cát nữa; khu mộ chật ních đã che khuất tầm mắt.
Anh Thành - một người dân An Bằng đã 10 năm làm nghề xây lăng - kể: "Lăng mộ ở làng này được xây dựng từ lâu, nhưng trước kia chỉ làm đen trắng. Từ 1991, bắt đầu xây ồ ạt, có trang trí màu và lớn dần như bây giờ. Nhỏ thì 7-8 nghìn USD, lớn thì 20-30 nghìn USD".
Thoạt đầu, chỉ thấy những ngôi mộ đơn sơ với giá "bình dân", nhưng càng ngày các mộ phần càng được sửa sang, nới rộng, trang trí, trở thành những ngôi "biệt thự" uy nghi. Gia đình này xây lăng 150 triệu đồng, sẽ có gia đình khác gắng xây lăng 170 triệu; nhà khác sẽ xây "hoành tráng" hơn nữa, "cho bằng người ta". Khu nghĩa địa của làng An Bằng, vì vậy, thành nơi để nhiều gia đình khoe mạnh khoe giàu.
Ngôi mộ được xây dựng theo kiểu mới nhất ở làng An Bằng.

Ngôi mộ được xây dựng theo kiểu mới nhất ở làng An Bằng.

Kiến trúc ngôi mộ lát bằng đá.Một trong những lăng lớn nhất nghĩa trang làng An Bằng.
Anh Nguyễn Thanh - cán bộ phụ trách Văn hoá thông tin xã Vinh An cho biết: "Số lăng mộ xây hiện nay ở làng An Bằng đã giảm khoảng 10 lần so với 2 năm trước. Cả khu nghĩa địa dài cỡ 2 km, rộng 500 m. Tất cả các lăng mộ lớn, nhiều tiền đều do con cháu Việt kiều gửi tiền về chứ không có chuyện vay mượn".
Theo quan niệm của dân làng An Bằng, nên xây lăng trước để khi nhà có người quy tiên, không phải lo tiền xây lăng nữa; vả lại xây trước bao giờ cũng cẩn thận, đàng hoàng hơn.
Cũng có quan niệm rằng sau khi chết, nếu trong vòng 50 ngày mà không xây được lăng thì phải đợi đến ba năm sau mới được phép xây; như vậy là có lỗi với người đã khuất… Vì vậy, ai cũng lo chuyện xây lăng cho mình và người thân ngay từ khi còn sống.
Đa số dân làng An Bằng tự hào với khu "biệt thự" đặc biệt cạnh làng. Không ai thấy "ngại" khi sống bên một khu nghĩa địa lạnh lẽo và hoàng tráng như vậy.
Người chết "chiếm" đất người sống
Những ngày cuối tháng 7, lăng của vợ chồng ông Thanh (60 tuổi, Việt kiều Mỹ) đã xây gần xong phần móng. Người bà con trông coi việc xây lăng cho biết, riêng phần móng lăng này đã tiêu tốn khoảng 70 triệu đồng.
Với tâm lý chuẩn bị chỗ ở đàng hoàng khi sang "thế giới bên kia", nhiều gia đình làng An Bằng đã tính chuyện khoanh đất xây lăng xí phần từ rất sớm. Nhiều người còn mua lại đất của người khác để xây thật rộng. Trong khi theo quyết định về định mức sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, được UBND tỉnh ban hàng ngày 25/4/2006, mộ mai táng chỉ được rộng 9 m2 (mộ cải táng nhỏ hơn).

Để tránh tình trạng nghĩa địa lấn đất sinh hoạt và sản xuất, UBND xã Vinh An phải dựng bảng thông báo cấm chiếm đất xây lăng mộ.
Không biết đến bao giờ nghĩa trang làng An Bằng có quy hoạch để mà theo. Còn bây giờ, khi việc chuẩn bị mộ phần khang trang ngay từ khi còn sống đã là một tục lệ không thể xoá bỏ, "thành phố lăng mộ" cứ ngày càng sầm uất, lấn át cả khu dân cư của người đang sống.

No comments:

Post a Comment