Monday, September 27, 2010

Kho báu Yên Tử

Kho báu bỏ quên của danh sơn Yên Tử: Kỳ vĩ, bí ẩn ở sườn Tây

Sườn Tây của núi Yên Tử hùng vĩ, nằm trùm lên địa giới hành chính của hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Từ nguồn tin của lâm tặc, thợ săn người địa phương, một nhóm cán bộ có khả năng leo rừng như… khỉ của Bảo tàng Bắc Giang đã khám phá ra hệ thống chùa, am, tháp, mộ, tượng, bia đá và cây cổ thụ được trồng trong di tích… vô cùng quý giá trên dãy Yên Tử hùng vĩ và bí ẩn.

Nằm giữa mây mù và rừng nguyên sinh hoang rậm, cả hệ thống những thiền viện, am, chùa cổ hiện ra - với toà ngang dãy dọc, với ngôi tháp đá tảng xanh 7 tầng nguyên vẹn, với di tích am Ngoạ Vân, nơi mà sử cũ chép rõ, vua Trần Nhân Tông - vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm, một pháp chủ người Việt đã tu hành, giảng đạo rồi viên tịch vào năm 1308. Cả rừng mộ tháp bị nhồi bộc phá, bị khoét hang khoét hầm hòng bới tìm cổ vật (họ nghĩ rằng vua tu ở đấy thì nhất định là đủ vàng thoi bạc nén); cả hệ thống các cây vải, quýt, bưởi, nhãn, đại, thông (được các vị tu hành trồng từ gần bảy trăm năm trước) bị đánh gốc xẻ thịt dần dà… Những phát hiện trên đã gây sửng sốt trong giới khoa học. Sau hàng thế kỷ cơ bản bị lãng quên, giữa rừng già, con đường của các bậc chân tu đắc đạo đã được chính thức ghi nhận. Trước đó, người am tường cổ sử và phật tử mộ đạo thiền Trúc Lâm chỉ nghe nói về con đường và hệ thống di tích kể trên. Nhóm Phóng viên mê leo núi chúng tôi đã có 4 ngày đi bộ ròng rã và 3 đêm ngủ giữa rừng để khám sự thiêng liêng - vẻ đẹp quyến rũ độc nhất vô nhị và cả nỗi đau bị tàn sát của hệ thống di sản này, VieTimes xin giới thiệu cùng độc giả:


Chúng tôi tính toán kỹ: con đường chinh phục sườn Tây Yên Tử đi từ tỉnh Bắc Giang, lên đỉnh cao nhất, sang đến tỉnh Quảng Ninh, phải mất 3 đêm 4 ngày. Đúng là Trúc lâm Yên Tử, đỉnh núi thiền với những rừng trúc mênh mông đã đi vào… tên gọi từ bảy trăm năm trước, chúng tôi đi ngày nọ qua ngày kia, vượt những rừng trúc ken dày như so đũa. Đôi lúc không nhìn thấy ánh mặt trời.


Có lẽ độc giả phải mất thời gian một tý với kỳ hoa dị đá của sườn Tây Yên Tử. Một cây nấm vàng rực, kỳ khu như toà lâu đài của một lãnh chúa tây phương.

Phiến đá này thì được tạo hoá đẽo tạc đẹp hơn cả hình rồng chầu ở sân vua thuở cũ.

Bạn có thể đi cả ngày trời qua rừng cỏ mượt và những bãi đá kỳ lạ như thế này.

Khu nhà tổ chùa (am) chùa Ngọa Vân tuy đã hoang phế, nhưng hoang phế giữa rừng già ai bảo là nó không có vẻ quyến rũ riêng có của nó.

Trong rừng, và trong điệp trùng am, tháp, ta bắt gặp những tấm bia ghi rõ “tháp Phật hoàng”, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất của Trúc lâm Thiền phái đã viên tịch, cả tấm bia ghi rõ việc chúa Trịnh đưa các bậc vương tôn công tử lên thăm nơi Phật hoàng đã hoá.

Con đường dốc dác mà 700 năm trước vua Trần đã tu, đã vui cõi đạo, giờ có vài Phật tử đi lại trong mưa, giữa xanh rì rêu cũ khiến khách lãng du cũng dậy lên cái mộng Phật, Thiền.


Bạn hãy nhớ rằng, cả Đại Việt sử ký toàn thư, cả các Giáo sư uy tín nhất của chúng ta, sau quá trình nghiên cứu, đều khẳng định: vua Trần Nhân Tông, sau khi rũ long bào đi tu, đã hoá ở đây, một phần xá lỵ trong mộ tháp có “nóc” hình cái hồ lô đắc đạo này.


Trong mộ tháp này có xá lỵ của một vị tỳ kheo nổi tiếng, cái “thế” tháp – cây cổ thụ - và đá thật đẹp.


Một trong những cái am mà tương truyền 700 năm trước vua Trần đã ngồi thiền vẫn còn tương đối nguyên vẹn hình hài, sau quá trình bị đào khoét cả nền, tường, móng, nóc nhằm tìm vàng bạc - cổ vật. Tiền cảnh là tấm bia quý bị đập nát tìm vàng, nhà tu và các chuyên gia đã ghép và dựng lại.

Đáng buồn hơn, ở chùa Hồ Thiên, cách đó một ngày đi bộ leo núi, chẳng còn gì nguyên vẹn.


Tháp đá tảng xanh 7 tầng vào loại báu vật của Việt Nam, năm 2004 vẫn còn nguyên vẹn khiến các nhà nghiên cứu phải trầm trồ


Thì đến nay đã bị kẻ xấu dùng bộc phá đánh sập để bới… vàng bạc mà chúng tin là sẽ tìm ra


Bên trên toà sen bằng đá tảng xanh là một ngọn tháp gạch đỏ. Trong “cửa sổ” tháp có những pho tượng Phật hoàng bằng đá trắng. Nhiều pho đã mất, nhiều pho bị chặt cụt đầu đã được nhà sư Thích Đạt Ma Trí Thông khênh về đặt ở cạnh tấm bia Trung Tu


Tấm bia được coi là đẹp nhất tỉnh Quảng Ninh này cũng vừa mới được dựng lại, sau khi nó bị đánh bộc phá thành hang hốc để bới cổ vật và vàng bạc. Cả nhà bia toàn bằng đá khổng lồ cũng bị đổ sụp. Bức ảnh này chụp năm 1988, khi các nhà nghiên cứu có mặt, bia đã bị đào bới, phá huỷ giữa rừng hoang, sau khoảng 200 năm Hồ Thiên tự vắng bóng nhà tu hành.


Sử cũ và cả tấm bia kể trên đã ghi rõ: Hồ Thiên từng là một Thiền viện cấp quốc gia với hàng trăm gian nhà lớn nhỏ. Và bạn phải sửng sốt khi gặp giữa hoang vu hệ thống cây ăn quả (cây nhà) được trồng từ hàng mấy trăm năm trước, cùng dấu tích của những “đền cũ lâu đài” tráng lệ


Bạn sững sờ trước một cây vải không thể cổ thụ hơn, tương truyền có từ 700 năm trước, do vua Trần Nhân Tông trồng, nó vẫn đơm hoa kết trái.


Cạnh đó là một cây đại khổng lồ


Quá tiếc nuối trước những rừng mộ tháp bị tàn phá không còn dấu tích, “nhà tu hành” tên là Cường đã kỳ công dựng một mái lá để quyến luyến non thiêng. Ông san nền dưới gốc thông tuyệt đẹp, dựng lều bằng thân trúc, đóng ghế bàn bằng gỗ rừng và đêm ngày thiền nhưng rồi (có lẽ) không chịu nổi sự cuộc sống như Robinson, ông đã bỏ “lều lán” ra đi


Tuy nhiên, ở Am Ngọa Vân, sư Tiến vẫn trụ lại 8 năm với rừng hoang, lợp lều cỏ, ăn quả vả thay cơm để lấy sức ngồi thiền. “Cây vả” (như cây sung) này đã được các nhà sư tri ân đến mức, khi chúng tôi có mặt, chú tiểu Hà phải đi hái vả đãi khách ngay


Và cặp huynh đệ (hai nhà sư) này vẫn kiên trì ngồi thiền trong mái đá hoang vu. Nhà sư Q. đã sống trong mái đá như người nguyên thuỷ với một niềm tin sắt son vào Đạo pháp


Họ ăn một món ăn rất ám ảnh: đó là chuối rừng xanh ngâm muối, ngâm dấm. Chuối rừng toàn hạt chát xít, họ ăn trong nhiều năm qua. Những ngày ở rừng, chúng tôi cũng được “chiêu đãi” món ăn kinh điển này

Gặp “kho báu” trên non thiêng Yên Tử

Nếu so về địa hình địa mạo, thì dãy Yên Tử và đỉnh Yên Tử chỉ hơn một nghìn mét so với mực nước biển, chưa phải là cao. Nhưng, như các cụ bảo: Núi không cốt ở cao, vấn đề là trên núi có tiên ngụ; sông không cốt ở sâu, niềm thiêng ở chỗ dưới sông có rồng ở. Và, Yên Tử được xưng tôn là đệ nhất danh sơn miền Đông Thổ, là một non thiêng, bởi nó là ngọn núi của tâm linh. Ngọn núi của Phật, của Thiền.

Nơi đây, có đấng quân vương kiệt xuất Trần Nhân Tông rũ bụi trần, bỏ long bào khoác áo cà sa lên núi tu hành. Vị Phật hoàng này đã trở thành Đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; rồi ngài tịch cũng tại am Ngoạ Vân trên núi này vào ngày 3/11/1308. Trong 19 năm quyết chí bỏ lại cả đoàn cung nữ phải trẫm mình quyên sinh hòng ngăn cản, rũ bỏ cả hoàng bào với lầu son gác tía để lên núi tu hành, ông đã cho xây tới 800 am, chùa, tháp khắp nhiều cõi danh sơn. Tất dĩ nhiên, nơi có hệ thống di tích của Thiền phái Trúc Lâm dày đặc và nguy nga nhất phải là trên “thánh địa” Yên Tử.

Tận mục “kho báu” bị lãng quên trong rừng rậm

Đã từ lâu, cánh nhà báo - nhà nghiên cứu chúng tôi nghe người đi rừng kể về hệ thống di tích bị lãng quên trên sườn Tây dãy Yên Tử. Rằng đi hành hương leo Yên Tử mà đi cáp treo là vứt. Rằng chỉ đi ở sườn đông, đi từ Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh lên chùa Giải Oan (nơi các cung nữ trẫm mình dưới suối mà không ngăn được Phật hoàng rũ long bào ngược non), chùa Cầm, chùa Hoa Yên, rồi chùa Đồng... thôi thì bạn đã bỏ quên rất nhiều kho báu của ngọn núi kỳ bí Yên Tử. Yên Tử không chỉ như vậy. Nhất là khi mà quần thể di tích phía sườn đông đã bị quá tải bởi du khách từ nhiều năm nay, rác thải bừa phứa, ngành than đào cả núi tâm linh móc vàng đen đem bán, cáp treo tấn công phá vỡ cảnh quan, nhiều tỷ đồng bị “bày đặt” quá tốn kém cho Chùa Đồng. Đúng là trên Yên Tử còn một kho báu thắng cảnh, di tích tuyệt hảo, mà không hiểu tại làm sao người ta sơ ý để nó bị tàn phá tang thương đến thế.

Vượt núi, đi chớm sang đất Quảng Ninh, lại sẽ gặp Tháp Phật hoàng, nơi được sử sách ghi rõ là chứa xá lỵ của người sáng lập, vị tổ thứ nhất của Thiền Phái Trúc Lâm, vua Trần Nhân Tông. Chùa Ngoạ Vân là nơi Phật hoàng đã viên tịch vào một ngày nhiều mây cách đây 699 năm (Đại Việt sử ký toàn thư đã chép rất rõ điều này). Cách đó 1 ngày đường vạch lá cây, trườn vách đá “cắt rừng” mà đi, chúng tôi gặp chùa Hồ Thiên, nơi vốn là nơi vua Trần Nhân Tông đã giảng đạo, một thiền viện - từng lộng lẫy cung vàng điện ngọc với hàng trăm gian nhà, với hơn một chục ngọn tháp tuyệt mỹ. Đặc biệt trong số đó có ngọn tháp 7 tầng bằng đá tảng xanh vòi vọi trên nền trời vẫn đứng đó. Rừng thông cổ thụ, rừng trúc ken dày như so đũa trải dài bất tận. Chúng tôi đi bộ, lạc đường, đói khát, đi hết ngày này qua ngày khác, vẫn là đi trong rừng cây cổ thụ và rừng trúc đứng như so đũa, ken dày tới mức không trông thấy ánh mặt trời. Bảy trăm năm đã trôi qua kể từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch tại am Ngoạ Vân, tôi đã có mặt ở Ngoạ Vân hoang phế. Hai trăm năm kể từ ngày Hồ Thiên vắng bóng nhà tu hành, chìm lạc trong rừng sâu bít lối, tôi đã có một đêm nằm ngủ với gió núi mây ngàn Hồ Thiên - cái thiền viện tầm cỡ quốc gia với hàng trăm gian nhà lớn được sử sách cũ ghi rất rõ.

Tiếng kêu cho di sản 700 năm tuổi

Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là: Để được trông thấy – khám phá – ghi nhận chính thức những “kho báu” trong mây mù giữa rừng rậm ấy, riêng đi bộ, leo núi, đói khát, lạc đường, tôi và những người dẫn đường sành sỏi nhất có thể thuê được từ Bắc Giang, đã phải vắt kiệt sức, vắt cạn mồ hôi của mình ra, bám rừng trèo vách đá suốt 4 ngày trời. Tôi đã không dám tin là mình đủ sức chinh phục con đường vợi vợi, hiểm nguy trên sườn Tây bí ẩn của những ngọn núi của Phật, của Thiền kia. Ngủ rừng, ngủ lán của cánh đi phá rừng, đi lấy cây thuốc, ngủ trong những am cỏ của người tu hành khổ hạnh.

Cả một hệ thống am, mộ tháp, chùa chiền, bia ký... hiện ra. Song, điều ám ảnh chúng tôi hơn, đó là sự tàn phá bất lương của đám người đói ăn - thất học trước di sản vô giá mà cha ông để lại. Cái nơi vua Trần Nhân Tông vĩ đại đã tu, đã ngồi thiền và viên tịch như am Ngoạ Vân, chỗ nào cũng bị cạy bới, đào phá. Họ bới xá lỵ tìm vàng bạc, tìm chum choé cổ. Đập bia, móc từng mảng tường, đào cả nền móng những cái am mà Phật hoàng từng thiền (am Thiên Sơn Tử, Am Thiền Định). Ngựa đá cũng bị đập tan tành. Các mộ tháp bị khoét sâu như hầm lò, đường ngang ngõ tắt dưới lòng đất hun hút như... địa đạo. Tấm bia nổi tiếng do chúa Trịnh Căn cho dựng để kỷ niệm việc ông đưa các bậc vương hầu, công chúa lên chiêm bái nơi Phật hoàng viên tịch cũng bị đập phá thành hàng chục mảnh (các nhà nghiên cứu nay đã ghép lại để dập in chữ về dịch nghĩa). Cả vườn mộ tháp bên rừng thông trước am, cách đây chục năm vẫn uy nghi một góc trời, giờ bị đào bới đổ hoàn toàn. Nền móng cũ cũng bị cây rừng rậm ào lên xoá hết.

Bên chùa Hồ Thiên còn thê thảm hơn: Kẻ xấu đã nhét bộc phá vào chân các ngọn tháp, các tấm bia để khoét hố tìm vàng bạc, cổ vật. Cả trăm gian nhà, với những hàng cột lớn bằng đá tảng, có thể chúng đã bị đổ đâu đó trong mấy trăm năm bị lãng quên giữa đại ngàn huyền bí. Nhưng, hệ thống di tích tuyệt vời, vĩnh cửu còn lại thì cách đây dăm bảy năm vẫn còn đó. Tháp đá, nhà đá, bia ký, bia mộ, cây cổ thụ tới mức không thể cổ thụ hơn, rừng già đỉnh núi nhìn xuống sơn thuỷ hữu tình... Hơn bảy trăm năm, kể từ khi Phật hoàng Trần Nhân Tông đăng đàn thuyết pháp ở Hồ Thiên, mấy trăm năm kể từ khi Hồ Thiên được triều đình nhà Nguyễn trùng tu với khoản kinh phí khổng lồ thành một “thiền viện” cấp quốc gia - Hồ Thiên vẫn là một thắng cảnh quyến hồn du khách và các phật tử mọi miền. Nhưng, chỉ năm bảy năm thôi, sự đói khổ - thất học của những kẻ săn đào cổ vật ; cùng với nó là sự buông lỏng quản lý của cơ quan hữu trách đã biến đại công trình nổi tiếng này đứng trước nguy cơ chỉ còn trong... sử sách.

Xin hãy nghe lời kể của người trụ trì chùa Hồ Thiên, nhà sư Thích Đạt Ma Trí Thông. Thầy Thông mới lên chùa được 5 năm, rõ ràng, chuyện tàn phá di tích đến độ không tưởng tượng nổi vẫn nóng hôi hổi: Năm 2002 tôi được cơ quan chức năng cho phép lên chùa Hồ Thiên quản lý và hành đạo. Toàn bộ công trình nằm trong rừng rậm, bới cả một tán rừng mới hiện ra một tấm bia. Lúc đầu, người tu hành phải sống tạm trong vách đá qua ngày. Ngày ngày đi bộ tít xuống dưới suối gánh một thùng nước lên để sống. Khi lên, tôi đã thấy tháp bị nghiêng lắm (bị đạo chích đào hang ở chân, moi ruột tháp tìm cổ vật; toà đá với 72 cánh sen hình kim tự tháp ngược – như cái nút - đậy ở đáy tháp (được xem là nơi cất giữ xá lỵ) bị khiêng ra, vứt chỏng chơ giữa rừng – PV). Khoảng 2 năm sau (2004), một đêm mưa gió, tôi nghe tiếng ầm ầm, cứ tưởng sét đánh ở ngoài rừng. Sáng ra thấy tháp 7 tầng bị đổ tan tành một nửa. Các phiến đá tảng xanh nằm chỏng chơ. Cây thông lớn giữa chùa mới bị chặt xong, gốc vẫn còn tươi, cỏ cây vẫn còn tươi.

Ngay cả cây vải tương truyền là Tổ thứ nhất của Trúc lâm Yên Tử trồng này, cũng mới bị người ta cưa cành. Lúc tôi kiểm tra, thấy cành cây đã bị cưa đứt xuống đất, cành rất to, bị cưa làm nhiều khúc. Những khúc gỗ của cây vải tổ giờ vẫn nằm dưới cỏ đó. Chắc họ ngại... nhà sư nên bỏ lại. Họ tàn sát hết khu vực rừng này, khi tôi góp ý, họ còn sừng sộ đòi gây sự. Tôi im lặng để cho họ nguôi giận, lựa lúc êm êm, tôi lại góp ý. Chứ còn biết làm sao”.

Tại sao những báu vật của tín ngưỡng - kiến trúc - danh nhân - lịch sử độc đáo kia lại bị tàn phá kinh thiên như vậy? Không thể đổ lỗi cho sự rậm rịt của rừng đã bít lối của người văn minh lên với thắng tích. Bởi, năm 1992, GS Nguyễn Huệ Chi đã lên tận am Ngoạ Vân, ông đã viết về thảm trạng mà ông trông thấy trên báo chí, rồi có thư kêu cứu gửi lãnh đạo địa phương (di tích thuộc tỉnh Quảng Ninh) rất đàng hoàng. Nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng, anh Nguyễn Văn Phong (nay là cán bộ Sở Khoa học Công nghệ Bắc Giang), năm 1988 đã kỳ công nghiên cứu, viết một cách đắm say về chùa Hồ Thiên kỳ vĩ, về những tấm bia tuyệt kỹ, về ngọn tháp đá tảng xanh 7 tầng độc đáo và hệ thống cây rừng và cây ăn quả cổ thụ do vua Trần Nhân Tông trồng từ 700 năm trước trong nhiều công trình của mình. Thậm chí, anh Phong còn viết bài kêu cứu cho chùa Hồ Thiên đăng trên Báo Nhân Dân hẳn hoi. Anh cũng viết bài dài 5 trang Tạp chí Xưa và Nay, với tấm ảnh ngọn tháp 7 tầng tràn hết trang bìa. Tiếp đó, dù Hồ Thiên không phải thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, nhưng, hội thảo về những “báu vật” trên các ngọn núi thuộc dãy Yên Tử, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cũng đã thống thiết kêu gọi giữ gìn di tích chùa Hồ Thiên.

Vậy mà tiếng kêu cho di sản hơn 700 năm tuổi đã không được ai để mắt tới. Và sự tàn sát di tích đến mức dã man đã xảy ra trên núi thiêng. Đêm, tôi nằm ở Ngoạ Vân, sờ tay vào Tháp Phật hoàng có xá lỵ của Đệ nhất tổ Trúc Lâm Thiền Phái, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, tôi tự hỏi: Ai đã đào bới để ngọn tháp đá kỳ vĩ 7 tầng ở Hồ Thiên bị nghiêng, rồi bị đổ cách đây 2-3 năm? Có thể mãi mãi chúng ta không biết tên đạo chích đã giết chết tháp cổ ấy là ai. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: Báo Nhân Dân, Tạp chí Xưa và Nay, nhiều công trình nghiên cứu và cả một lá thư tâm huyết của GS Nguyễn Huệ Chi gửi cán bộ địa phương đã tôn vinh và kêu cứu cho hệ thống di sản kể trên (trong đó có tháp đá 7 tầng). Song, cơ quan chức năng đã không có bất cứ một động thái có hiệu quả nào ngõ hầu “giải cứu” cho kho di sản văn hoá lớn trên sườn dãy Yên Tử.

Tựu trung, đó là lời buồn bã mà, sau chuyến leo núi, tôi muốn gửi tới những người mà lẽ ra họ không nên vô cảm đến thế...


Nhà sư này không thích đăng ảnh lên báo, tuy nhiên, nụ cười của thầy khi tiễn chúng tôi xuống núi khiến ai nấy đều day dứt thấy áy náy cho cái tham sân si không gợn chút lòng thiền của mình vô cùng. Trong mái đá, sự “diệt dục” của thầy là khả kính. Không có cớ gì chúng tôi giấu độc giả niềm tin khả kính vào Đạo pháp của thầy.

http://www.vanhoavietnam.vn/Menu/dialy/image/bacgiang.jpg

No comments:

Post a Comment