Tuesday, February 21, 2012

SÔNG MEKONG (20)

NGÀY MỚI TRÊN SÔNG IRRAWADDY Từ Con Đập Myitsone Tới Chuỗi Đập Sông Mekong

Hủy hoại môi trường sống, cho dù ở đâu và bao giờ, là một hình thái khác của bạo động và vi phạm nhân quyền
Một Thoáng Miến Điện
Miến Điện từng được biết tới như một vùng Đất Vàng – Shwe Pyidaw, một đất nước rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên với gỗ quý, đá kim quý, dầu khí, đất đai phì nhiêu nhất Á Châu như vùng châu thổ Irrawaddy diện tích 255,000 km2 là cả một vựa lúa trù phú và thêm một vựa cá khổng lồ ngoài khơi vịnh Andaman. Một đất nước đẹp đẽ như vậy với cả ngàn ngôi chùa vàng lấp lánh nhưng lại là một đất nước của nghèo khổ với ba phần tư dân chúng thất học và thiếu ăn, còn tệ hơn dưới thời thực dân Anh. Với dân số gần 54 triệu, diện tích 676 552km2 gấp đôi Việt Nam, bằng diện tích nước Pháp và Anh cộng lại. Tây và tây bắc giáp với Ấn Độ và Bangladesh, bắc và đông bắc giáp với Trung Quốc và Lào, đông và đông nam giáp với Thái Lan. Có hai con sông chính chảy từ bắc xuống nam tạo nên những thung lũng và đồng bằng đẫm phù sa. Con sông Irrawaddy dài nhất xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng băng qua vùng đồi núi Kachin phía đông bắc Miến rồi chảy dài suốt 2000 km về hướng nam với chặng cuối chia ra làm nhiều nhánh trước khi đổ ra biển khơi Ấn Độ Dương.
Là mạch sống và cũng là thủy lộ giao thông chính của Miến từ thời thực dân Anh. “Con đường tới Mandalay” đã đi vào vần thơ bất hủ của Rudyard Kipling, văn hào Anh đầu tiên được giải Nobel văn chương, được mọi người biết tới như một nhà văn của thời kỳ thuộc địa. “The Ballad of East and West” (1892) vẫn còn luôn luôn được trích dẫn: Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet ! Đông là Đông, và Tây là Tây, và hai ngả ấy chẳng bao giờ gặp nhau ! Mandalay theo huyền thoại Miến Điện được coi là vùng đất Phật. Tương truyền rằng Đức Phật Thích Ca và môn đồ Ananda khi viếng thăm đồi Mandalay đã tiên tri rằng tới năm Phật lịch 2400, thì Mandalay sẽ trở thành một trung tâm truyền bá Phật học. Do đó vào năm 1857 vua Miến Điện Mindon đã di chuyển cung điện tới gần đồi Mandalay nơi khúc quanh của con sông Irrawaddy và tiếp sau đó rất nhiều Phật học viện tráng lệ được xây cất, đó là các công trình nghệ thuật kiến trúc bằng gỗ quý được trạm trổ vô cùng tinh vi. Mandalay nghiễm nhiên trở thành một trung tâm văn hóa Phật giáo. Nhưng rồi sau đó Mandalay rơi vào tay người Anh và tiếp đến Thế Chiến Thứ Hai, tất cả đã trở thành tro than. Mandalay đã điêu tàn và ngày nay trở thành cái bóng của quá khứ.
Miến Điện từng được kể là một trong những thuộc địa đem lại lợi lộc nhất cho đế quốc Anh. Kyaw Nyein đã mô tả đất nước Miến Điện dưới thời Anh đô hộ như sau: “Đó là một xã hội hình tháp – social pyramid với dưới đáy là bao nhiêu triệu người dân Miến nghèo khổ, ngu dốt và bị bóc lột, và trên đỉnh là một thiểu số người ngoại quốc Anh, Ấn và Hoa…”.
Để rồi hơn một nửa thế kỷ sau tình hình không có gì đổi khác, cho dù người Anh đã ra đi, nhưng cũng vẫn là xã hội hình tháp ấy với nguyên dưới đáy là hàng chục triệu những người Miến Điện nghèo khổ ngu dốt và bị bóc lột, chỉ có khác là bị bóc lột triệt để hơn bởi chính đồng bào của họ: đám tướng lãnh quân phiệt Miến. Năm 1989, chánh quyền quân phiệt đổi tên nước Miến Điện là Myanmar theo chế độ Cộng Hòa Xã Hội Liên Bang. Thư từ nước ngoài gửi về với tên Miến Điện – Burma sẽ bị đóng dấu phát hoàn với lý do: “Burma, country unknown”. [5]

Hoàng Hôn trên Sông Irrawaddy [2007 - 2011]
Từ tháng 5 năm 2007, theo The New Light of Myanmar tờ báo nhà nước Miến Điện, thì chánh quyền quân phiệt Rangoon và Trung Quốc đã hoàn tất 7 dự án thủy điện lớn trên sông Irrawaddy với tổng công suất 13,360 MW, đi tới một ký kết giữa Công Ty Đầu Tư Điện Lực Trung Quốc (CPI / China Power Investment Co.) và Bộ Điện Lực Miến Điện.
Từ cuối năm 2007, cho dù bản tường trình EIA / Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh chưa hoàn tất, Trung Quốc đã cho khởi công xây con đập thủy điện Myitsone lớn nhất Miến Điện cũng là lớn nhất Đông Nam Á, công suất dự trù lúc ban đầu là 3,600 MW trên sông Irrawaddy [ gấp 3 lần con đập Cảnh Hồng / Jinghong Dam trên dòng chính sông Mekong] . Nhưng đến tháng 12, 2009 trong chuyến viếng thăm của Phó Thủ Tướng Trung Quốc Tập Cận Bình / Xi Jinping, công suất con đập Myitsone đã được tăng từ 3,600 MW lên tới 6.000 MW [ gấp 4 con đập Mạn Loan/ Manwan, Vân Nam.]
Vị trí con đập nằm ngay trên hợp lưu của hai nhánh sông Mayhka và Malihka, cách Myitsone thủ phủ của bang Kachin 42 km về hướng bắc [Bản Đồ I]. Theo IRN/ International Rivers Network, trụ sở ở Berkeley California thì nếu không gặp trắc trở, con đập Myitsone sẽ hoạt động phát điện vào năm 2018, với 90% lượng điện sản xuất sẽ được chuyển về Trung Quốc và chỉ riêng công ty Quốc Doanh Đầu Tư Điện Lực Trung Quốc CPI / China Power Investment Corp. được hưởng tới 70% phần lợi nhuận.
[ Tập Cận Bình / Xi Jinping, theo dự đoán, sang năm 2012 sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào trong chức vụ Tổng Bó Thư Đảng CS và Chủ Tịch nhà nước Trung Quốc.]

Mọi Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh Bị Che Dấu.
Chỉ sau khi thỏa ước hai nước đã ký kết, như một chiếu lệ, công ty điện lực Trung Quốc CPI mới có kế hoạch đề cử một tổ chức phi chánh phủ có tên BANCA / Biodiversity and Nature Conservation Association thực hiện một cuộc khảo sát về ảnh hưởng môi sinh [EIA / Environment Impact Assessment] của con đập Myitsone. BANCA đã báo động về tình trạng nguy hiểm khi vị trí con đập xây gần rãnh nứt động đất / earthquake fault line; cùng với tác hại phá rừng khai quang khu xây đập, sẽ không còn rừng để ngăn lũ, gây ngập lụt các vùng cư dân như thị trấn Myitkyina. Họ đề nghị thay thế dự án đập Myitsone bằng 2 con đập nhỏ hơn nhưng đã bị các công ty Trung Quốc và giới quân phiệt Miến Điện bác bỏ. Không những thế họ còn bị áp lực bắt tổ chức này phải im tiếng. Nhưng rồi thông tin của bản tường trình ấy cũng bị tiết lộ, mở màn cho một phong trào vận động rộng lớn hơn của giới trí thức và các nhóm hoạt động môi sinh nhằm “Cứu Con Sông Irrawaddy!” như huyết mạch và cũng là cái nôi của nền văn hóa Miến Điện.
Ngày 19 tháng 09, 2011 là một dấu mốc đáng ghi nhớ, đây là lần đầu tiên có một cuộc hội thảo quy mô với hơn 400 người tham dự, trong số đó có cả các chức sắc của chánh phủ Miến Điện về “Những Thuận Lợi và Bất cập của Công trình Myitsone”.
Tiến Sĩ Tun Lwin, nguyên Tổng Giám Đốc Khí Tượng Thủy Văn phát biểu ông chống dự án đập vì hậu quả làm thay đổi khí hậu, gây bão lụt và mực nước sông trồi xụt.
Win Myo Thu, Giám Đốc Quản lý Phát triển Hệ Sinh Thái / EcoDev tại Rangoon cũng có quan điểm chống dự án đập. “Không còn hoài nghi là con đập sẽ hủy hoại môi trường và câu hỏi đặt ra là con đập ấy có thực sự mang lại lợi ích cho cho nền kinh tế Miến Điện hay không?” [8]
Cho dù phong trào chống đối con đập Myitsone gia tăng nhưng các công ty xây đập Trung Quốc và đối tác là các tay tài phiệt Miến vẫn cứ ngạo nghễ cho tiến hành công trình xây đập.
Theo Tổ Chức Môi Sinh Kachin có trụ sở ở Chiang Mai Thái Lan, thì tình trạng vi phạm nhân quyền và cả đàn áp cư dân địa phương đã luôn luôn diễn ra trên vùng xây đập. Cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa của sắc tộc Kachin đang từng ngày bị hủy hoại, với 40 ngôi làng quanh vùng xây đập sẽ hoàn toàn bị ngập lụt và hơn 10 ngàn cư dân sẽ mất hết nhà cửa và bị cưỡng bách phải di dời. Chưa kể đến trường hợp nếu con đập bị vỡ do động đất thì sẽ là thảm họa cho hàng triệu cư dân hạ nguồn. Ai cũng biết Bắc Miến cũng như Vân Nam và các tỉnh tây nam Trung Quốc là vùng động đất đang hoạt động / seismically active zone) [9]
Tháng 6 năm 2010, sau Tập Cận Bình là Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo / Wen Jiabao đã tới thăm giới lãnh đạo quân phiệt Miến Điện để “thảo luận về các vấn đề năng lượng” cũng có nghĩa là hai nước sẽ phải tiến hành nhanh và đẩy mạnh kế hoạch xây chuỗi đập thủy điện trên lãnh thổ Miến. Đập Myitsone trên sông Irrawaddy chỉ là một trong 7 dự án và ngoài Công Ty Đầu Tư Điện Lực Trung Quốc CPI thì nay đã có thêm một công ty xây đập lớn khác nữa cũng của Trung Quốc CDC / Datang International Power Generation Co. tham dự vào.
[ Tưởng cũng nên ghi lại ở đây là chính Công Ty Datang này đã nhận thầu xây cất hai con đập trong một chuỗi 11 dự án đập trên dòng chính Sông Mekong vùng Hạ Lưu đang gây rất nhiều tranh cãi: đập Pak Beng 1,320 MW và đập Xanakham 1,000 MW cả hai nằm trong lãnh thổ Lào.]
Cho dù gặp sự chống đối mạnh mẽ của sắc dân Kachin, cả đụng độ võ trang với cư dân địa phương chống cưỡng bách di tản, với cả các vụ nổ bom (17/04/2010) nơi công trình xây đập đã khiến 4 công nhân Trung Quốc chết và nhiều người khác bị thương, thì ngay sau đó cư dân sắc tộc Kachin bị quân đội Miến Điện bắt bớ, tra tấn và đàn áp dữ dội hơn. Kế hoạch cưỡng bách tái định cư / forcibly relocated và tiến độ xây đập vẫn không hề bị chậm lại. [10]

II:Vẫn Một Trung Quốc Cao Ngạo Không Chấp Nhận Đối Thoại
Rất sớm, từ 2006 đã có một tổ chức chánh trị mang tên Kachin Independence Organization / KIO lên tiếng chống lại dự án đập Myitsone. Đây không phải chỉ là tiếng nói giới hạn trong quần chúng vùng xây đập, ảnh hưởng của họ đã vươn xa tới thủ đô Rangoon, tới cả Bắc Kinh. Họ đã nhiều lần viết thư cho chánh phủ Trung Quốc cho rằng ảnh hưởng tác hại không thể hồi phục của con đập Myitsone là không thể chấp nhận được, đặc biệt trên vùng châu thổ Irrawaddy cũng là vựa lúa nuôi sống cư dân Miến Điện. KIO cũng đã tiên liệu khả năng bộc phát những cuộc tranh chấp vũ trang với cư dân địa phương nếu dự án vẫn cứ tiến hành. Nhưng như từ bao giờ, chánh quyền Bắc Kinh và cả các công ty xây đập Trung Quốc thì vẫn cao ngạo, họ không thèm trả lời và từ chối mọi cuộc đối thoại.

Công trường xây đập Myitsone

Cùng với nhóm KIO, đồng bộ từ thủ đô Rangoon cũng hình thành những nhóm môi sinh khác hoạt động rất tích cực – đặc biệt là có thêm cả tiếng nói hỗ trợ của lãnh tụ dân chủ đối lập rất uy tín, bà Aung San Sui Ky, cùng với các tổ chức môi sinh quốc tế có thanh thế như International Rivers Networks / IRN – đã khiến cho chánh phủ Miến Điện không thể không lắng nghe. Quyết định ngưng xây con đập Myitsone trên sông Irrawady của Tổng thống dân sự Thein Sein như vén bức màn đêm và mở ra một ngày mới trên đất nước Miến Điện bấy lâu chưa hề có sinh hoạt dân chủ. Đây được xem là một đối đầu can đảm của một chánh quyền dân sự còn rất non trẻ với người láng giềng khổng lồ Phương Bắc, thủ đoạn và nham hiểm với ảnh hưởng còn bao trùm trên đất nước Miến Điện trong nhiều thập niên. Quyết định ấy cũng tạo ra một “tiền lệ” rất ngoạn mục và đáng quan tâm đối với các dự án đập thủy điện của Trung Quốc, vượt cả ra ngoài lãnh thổ Miến Điện, để thấy rằng “tiếng nói của xã hội công dân” cho dù ở bất cứ đâu, cũng phải được lắng nghe.
Tiền lệ Myitsone đã “như một bài học” cho Việt Nam và các quốc gia khác trong Lưu Vực Sông Mekong và cũng để thấy rằng những con đập “Made in China” ấy cho dù ở đâu, nếu cứ tiến hành “với bất cứ giá nào” chỉ để phục vụ nhu cầu năng lượng và quyền lợi của Trung Quốc mà không kể gì tới những tàn phá về sinh cảnh môi trường và cả xáo trộn cuộc sống các cộng đồng cư dân trên các vùng xây đập là điều không thể chấp nhận được. Một câu hỏi được đặt ra là liệu đến bao giờ người dân Việt Nam – những cư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long mới cất được tiếng nói, và tiếng nói ấy đến bao giờ mới được lắng nghe?
Và như vậy cũng dễ hiểu tại sao Trung Quốc vẫn chuộng ký kết hợp đồng làm ăn với các thể chế độc tài, trong đó có Việt Nam – nhân danh ổn định chánh trị nhưng là một thứ “chánh trị cơ hội”, chỉ tồn tại được bằng bạo lực đàn áp.

Bình Minh và Ngày Mới trên Sông Irrawaddy
Ngày 30 tháng 09, 2011, như một chuyển biến rất đáng ngạc nhiên trong tình hình chánh trị của Miến Điện, khi Tổng Thống dân sự Thein Sein đã ra lệnh hoãn công trình xây con đập thủy điện không lồ Myitsone của Trung Quốc trên sông Irrawady, từ bấy lâu đã gây rất nhiều tranh cãi. Với tổn phí ban đầu lên tới $US 3.6 tỉ MK có thể còn lớn hơn rất nhiều khi tăng công suất con đập lên tới 6,000 MW, và chỉ riêng hồ chứa cũng làm ngập một diện tích đất đai lớn hơn đảo quốc Singapore (khoảng 700 Km2), gây mất cân bằng hệ sinh thái vốn đã mong manh của lưu vực sông Irrawady, đồng thời cũng dìm sâu nhiều di tích đền đài như cái nôi của nền văn hóa Miến Điện.
Trong một thông điệp gửi Quốc hội Miến Điện, Tổng Thống Thein Sein cho rằng dự án đập Myitsone “đã đi ngược lại nguyện vọng của dân chúng”. Đây có thể coi là bước tiến đột phá trên đường “dân chủ hóa” biểu tượng nhất.
Tưởng cũng nên nhắc lại là cách đây hơn một năm, khi chế độ quân phiệt hỗ trợ cho cuộc bầu cử để đưa tới hình thành một chánh phủ dân sự nhưng ban đầu đã bị các giới chức Phương Tây đánh giá là “trình diễn giả tạo”. Nhưng qua thực tế, chánh quyền dân sự ấy đã có từng bước tiến tới dân chủ hóa như: bớt kiểm duyệt báo chí, nới lỏng việc xử dụng internet, và quyền được hội họp, thả các tù nhân chính trị và đáng kể hơn nữa là mở rộng bang giao với các nước đối tác khác nhằm phát triển một đất nước Miến Điện lạc hậu với nền kinh tế trì trệ từ nhiều thập niên qua. Tiếng nói của dân chúng bắt đầu được lắng nghe, kể cả từ các thành phần dân chủ đối lập.
Sau nhiều năm bị giam cầm và cả 7 năm quản thúc tại gia, lãnh tụ dân chủ đối lập bà Aung San Suu Kyi được thả ra. Ngay sau đó, từ tháng 8 năm 2011, bà đã mạnh dạn lên tiếng kêu gọi phong trào quần chúng hãy bảo vệ con sông Irrawaddy cùng với yêu cầu phải tái lượng giá ảnh hưởng môi sinh / Environmental Impact Assessment/ EIA của toàn dự án con đập Myitsone. Ảnh hưởng tiếng nói của bà Aung San Suu Kyi đã gây tiếng vang rộng rãi trên diễn đàn quốc tế. Bà cũng đã mau chóng tỏ ý hoan nghênh và hậu thuẫn quyết định hoãn xây con đập Myitsone của Tổng Thống Thein Sein và cho rằng mọi chánh quyền nên lắng nghe tiếng nói của người dân. Các nhà hoạt động môi sinh thì hân hoan, coi đây một thắng lợi.

Giới quan sát am hiểu tình hình cho đây như một khúc rẽ mới “như một cử chỉ quay lưng lại với Bắc Kinh” và giúp Miến Điện thoát khỏi vòng kiềm tỏa bấy lâu của Trung Quốc. Nó cũng có tác dụng xoa dịu nỗi bất mãn của dân chúng đặc biệt là với các sắc dân thiểu số Kachin sẽ bị tác hại trực tiếp bởi chuỗi dự án đập thủy điện trên sông Irrawady.
Các nhóm hoạt động môi sinh thì vẫn hy vọng rằng chánh quyền Rangoon sẽ giữ lời cam kết ấy, ít nhất là trong nhiệm kỳ 5 năm của vị Tổng Thống đương nhiệm, [bắt đầu từ tháng 3, 2011 tới năm 2015].
Nhưng cũng để thấy rằng “Bài học Myitsone” chưa thể gọi là qua trang và dừng lại ở đây vì đang có áp lực rất mạnh mẽ từ Bắc Kinh để đảo nghịch quyết định đột biến này. Ngày 14 tháng 10, 2011 tức là 2 tuần lễ sau ngày thông báo chính thức của chánh quyền Rangoon ra lệnh ngưng xây đập thì dân làng Kachin vẫn chưa thấy có biểu hiện nào là dự án bị ngưng lại.
Theo thông cáo báo chí của KDNG / Kachin Development Networking Group [14/10/2011] cho biết thì mọi trang thiết bị vẫn còn nguyên vẹn tại chỗ, công trình phá mỏ vàng cho hồ chứa đập Myitsone vẫn cứ tiếp tục. Công nhân Trung Quốc vẫn tiến hành cuộc khảo sát trắc địa phía nam con đập, và công trình làm con đường tiếp vận nối Myitsone tới thị trấn Tenchong biên giới Trung Quốc thì vẫn tiến hành. Mặc dầu đã có lệnh đình hoãn từ chánh quyền Rangoon, nhưng ban tham mưu Công Ty Đầu Tư Điện Lực Trung Quốc / CPI đã ra lệnh giữ nguyên các trang thiết bị tại chỗ vì dự án sẽ tiếp tục khi mùa mưa qua đi.
Trước thực tế ấy, dân làng Kachin không thể không hoài nghi về quyền hạn thực sự của Tổng Thống họ đối với các Đại Công Ty Xây Đập Trung Quốc. Tin vui đến với họ cũng thật ngắn ngủi và họ vẫn cảm thấy lo ngại về một tương lai bất chắc. Để thấy rằng, giữa ánh sáng và bóng tối, họ vẫn phải tiếp tục cuộc tranh đấu, nếu không muốn bóng đêm sẽ lại phủ chụp, bởi vì cánh tay của Bắc Kinh thì rất dài kết hợp với quyền lợi của giới quân phiệt Miến Điện vẫn là một sức cản đáng sợ.
Qua “Bài học Myitsone”, ý dân Miến Điện thì đã rất rõ, nhưng ý đồ của “thiên tử” Trung Quốc thì chưa biết ra sao vả người viết sẽ tiếp tục tường trình và theo dõi.

Một Bất Ngờ và Bài Học Đắt Giá cho Trung Quốc
Khi ký kết được các thỏa ước với những chánh quyền độc tài như với chánh phủ quân phiệt Miến Điện, như từ bao giờ Trung Quốc hết sức vững tâm trong công việc hợp tác làm ăn với các bộ máy đàn áp. Do đó quyết định ngưng xây con đập Myitsone phải nói là vô cùng bất ngờ, như một đòn giáng choáng váng đối với Bắc Kinh.
Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã, Lu Qizhou Chủ Tịch Tập Đoàn Đầu Tư Điện Lực Trung Quốc CPI, nói rằng ông ta đã “hoàn toàn sửng sốt” về quyết định của Rangoon. Chính cái triết lý làm ăn bấy lâu tưởng là thành công của Trung Quốc chỉ dựa vào sức mạnh đàn áp của nhà cầm quyền địa phương bất kể tới tiếng nói và mối quan tâm của xã hội dân sự đã tạo nên sức mạnh nối kết của các phong trào quần chúng. Đứng trước tình hình mới như “một sự đã rồi” này, Trung Quốc đã phải tạm thời xuống giọng nói tới những cuộc thảo luận công khai – open discussions. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giaoTrung Quốc Hong Lei đã phát biểu: “Các vấn đề chánh đáng liên quan tới dự án con đập nên được giải quyết qua các cuộc tham khảo hữu nghị giữa hai phía.”
Tiền lệ Myitsone đã đặt Trung Quốc trước những mối lo. Bởi vì còn bao nhiêu dự án làm ăn khác giữa Trung Quốc và Miến Điện liệu ngày mai sẽ ra sao?
Điển hình là công trình chiến lược “Đường Ống Dẫn Dầu CNPC – China Myanmar Oil & Gas Pipeline” đã được Bắc Kinh âm thầm ký kết với chánh quyền quân phiệt Miến Điện vào tháng 4 / 2006 một thỏa ước xây dựng ống dẫn dầu từ cảng Sittwee vịnh Bengal vượt đồi núi băng qua các vùng sắc tộc đông dân cư để lên thẳng tới thủ phủ Côn Minh Vân Nam thay vì phải diệu vợi đi qua eo biển Malacca. Ảnh hưởng phá hủy của đại công trình này trên môi sinh và đời sống của cư dân phải di dời ra sao là điều chưa được xét tới. Chắc chắn cũng sẽ gặp sự chống đối của nhân dân Miến Điện. [11]

Nhân Quyền và Những Con Đập “Made in China”
Bắc Kinh hiện đang là chủ nhân các đại công ty xây đập lớn nhất thế giới. Chỉ mấy thập niên trước đây thôi, một Trung Quốc còn non yếu phải cần tới yểm trợ kỹ thuật xây đập của các công ty ngoại quốc khi thực hiện dự án đập Tam Hợp (Three Gorges projects). Cũng ngay từ lúc đó, Trung Quốc đã rất khôn ngoan có ngay một chiến lược “thu hút kỹ thuật cao” của Tây Phương vào Trung Quốc trong một thời gian ngắn với giá rẻ. Họ yêu cầu các công ty đối tác ngoại quốc phải chấp nhận cho sản xuất phân nửa những giàn turbines phát điện ngay trong nội địa Trung Quốc với sự tham gia trực tiếp của các kỹ sư và công nhân kỹ thuật người Hoa. Với mối lợi nhuận trước mắt hàng tỉ Mỹ kim, các đại công ty Tây Phương như ABB, Alstom, General Electric and Siemens đã dễ dàng chấp nhận giải pháp này – cũng có nghĩa đồng ý chuyển giao quy trình công nghệ xây đập cho Trung Quốc. Và các nhóm kỹ sư trẻ Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội, rất mau chóng học hỏi và làm chủ các khâu kỹ thuật xây đập của ngoại quốc và rồi không lâu sau đó, Trung Quốc đã có thể tự chế tạo và sản xuất mọi trang bị từ A tới Z cho kỹ nghệ xây đập ngay tại Hoa Lục.
Bản đồ những con đập thủy điện tại Miến Điện
Để rồi ngày nay, Trung Quốc vượt qua các bậc thầy, thống lĩnh thị trường xây đập toàn cầu. Nhưng ngoài vấn đề Hoa Lục làm chủ được kỹ thuật xây đập, nhiều người đã tự hỏi bằng cách nào Trung Quốc đạt được những thành tựu “xuất cảng kỹ nghệ xây đập” nhanh như vậy sang rất nhiều quốc gia khác ?
Giám đốc chánh trị Mạng Lưới Sông Thế giới (IRN/ International River Network), Peter Bosshard đã tìm được lời giải đáp. Đó là, trong khi các đối tác Tây Phương tuy có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật cao hơn nhưng cũng vì biết quan tâm nhiều hơn tới ảnh hưởng môi trường và tác động xã hội của từng con đập nói chung vì “tôn trọng nhân quyền” họ đã rất “dè dặt và bảo thủ” , trong khi đó phía Trung Quốc không có cùng mức độ quan tâm như vậy nếu không muốn nói là “bất chấp” và Bắc Kinh chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội thủ lợi, cứ thế nhận đấu thầu mọi dự án cho dù đa số không đáp ứng được những tiêu chuẩn môi sinh quốc tế. [8]
Cũng theo IRN / Mạng Lưới Sông Quốc Tế thì Myitsone chỉ là một trong số hơn 300 dự án đập thủy điện lớn trên các con sông huyết mạch của 78 quốc gia mà các công ty xây đập Trung Quốc có trực tiếp liên hệ: như sông Irrawaddy và Salween ở Miến Điện, Sông Mekong, con Sông Nile / Sudan và con Sông Omo / Ethiopa… Tất cả các dự án đập vĩ mô ấy có một mẫu số chung, giống như trường hợp con đập Myitsone Miến Điện là thiếu tiêu chuẩn lượng giá ảnh hưởng môi sinh / EIA, do đó không ngạc nhiên khi thấy bất cứ ở đâu Trung Quốc đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của các cộng đồng cư dân địa phương do “cái giá quá cao về xã hội và môi sinh” mà họ phải gánh chịu khi mà mối lợi chính thì không phải phía quốc gia họ mà lại về tay các đại công ty xây đập nhà nước Trung Quốc. [7]
Nhưng rồi ra, trước công luận thế giới, với một Trung Quốc hối hả đi tìm lợi nhuận, không thể nói là hoàn toàn vô can trước tác hại của không chỉ những con đập thủy điện mà cả những dự án khác như khai thác Bauxite trên Tây Nguyên Việt Nam, Đường Ống Dẫn Dầu ở Miến Điện, phá rừng lấy gỗ và tận khai thác nguồn khoáng sản ở Phi Châu… hầu như trên khắp thế giới, quốc gia nào cũng có Trung Quốc trực tiếp đầu tư vào. Những gì tệ hại đang diễn ra trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong (GMS/ Greater Mekong Subregion); đã từng được báo chí đã đưa ra một ví von rất gợi hình là Trung Quốc đang liều lĩnh bước đi trên trên những tảng băng mỏng / China walks on thin ice. Một hình ảnh nước lớn Trung Quốc chắc chắn sẽ xấu xí hơn nếu cứ tiếp tục với những công trình xây dựng thiếu bền vững như vậy trên khắp hành tinh này.
Hủy hoại môi trường sống, cho dù ở đâu và bao giờ cũng là một hình thái khác của bạo động và vi phạm nhân quyền. Và cũng rõ ràng là nếu không có dân chủ thì cũng không thể có một hệ sinh thái khỏe mạnh và trong lành.

NGÔ THẾ VINH
01-11-2011
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long và VN 2020 Mekong Group

Báo Thanh Niên (9/7/2010) có bài viết : Sông Cửu Long chỉ còn “Thất Long”? được nhiều độc giả quan tâm. Để rộng đường dư luận, phóng viên báo Thanh Niên phỏng vấn tiến sĩ Tô Văn Trường chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, thành viên Ban chủ nhiệm chương trình KC08/06-10 của Bộ Khoa học công nghệ xung quanh vấn đề nói trên.Bạn cần đăng nhập mới nhìn thấy links (Bạn cần đăng nhập mới nhìn thấy links)
PV: Sông Cửu Long có ảnh hưởng to lớn, sống còn đến cuộc sống của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng hiện nay 2 cửa sông chết dần, chỉ còn 7 cửa đang hoạt động. Theo ông, nguyên nhân và xu thế sẽ diễn biến tiếp tục như thế nào về các cửa sông Cửu Long?
TVT: Sông Cửu Long còn gọi là sông Mekong dài khoảng 4.800 km bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, đổ ra Biển Đông. Cửu Long theo từ Hán Việt có nghĩa là 9 cửa sông, tượng trưng cho 9 con Rồng. Nguồn nước đổ ra sông Cửu Long qua nhánh sông Hậu xưa kia có 3 cửa đổ ra biển là Định An, Bassac và Tranh Đề (nay gọi là Trần Đề). Do quá trình biến đổi tự nhiên của các cù lao, diễn biến của dòng chảy bùn cát và sự giao thoa của 2 đường đứt gẫy về địa chất nên chỉ còn lại 2 cửa là Định An và Trần Đề. Hiện tượng này là do tự nhiên, giống như các cửa sông ở Miền Trung nước ta. Cần phải phân biệt rõ tác động của tự nhiên và con người. Theo xu thế dòng chảy thì đồng bằng sẽ mở rộng dần về phía Tây mỗi năm khoảng 100 ha ra biển ở mũi Cà Mâu. Phân bố dòng chẩy các nhánh sông Cửu Long tăng dần từ Đông sang Tây. Cửa Đại, cửa Tiểu phân bố dòng chẩy trung bình vào mùa cạn gần như bằng 0, chỉ có dòng chảy do triều vào-ra, rồi tăng dần từ cửa Hàm Luông, Cổ Chiên đến Định An, Trần Đề. Xu thế chung sẽ tăng thêm lưu lượng phía sông Hậu và giảm phía sông Tiền, bởi vậy tăng thêm thoát lũ về biển Tây và bồi lắng ở cửa sông Hậu nhiều hơn. Còn tác động của con người có làm chậm lại hoặc thay đổi phần nào chứ không thể chống lại được quy luật tự nhiên. Xu thế diễn biến tự nhiên về các cửa sông là chuyện của trời đất, chúng ta phải theo dõi, cập nhật thông tin, số liệu, dự báo để có các biện pháp chủ động ứng phó.
PV: Có ý kiến của nhà khoa học cho rằng cửa Ba Lai là một ví dụ về sự tàn lụi của một cửa sông do tác động của con người. Năm 1999, hệ thống cống đập ở cửa sông Ba Lai được xây dựng, hệ quả làm cho quá trình bồi lấp xảy ra nhanh hơn và đến nay thì cửa sông này đã ngừng chảy. Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao lại ngăn cửa Ba Lai, làm thế nào giải quyết hậu quả để dòng sông tiếp tục chảy ra biển ?
TVT: Bản thân sông Ba Lai không có nguồn, sống nhờ thủy triều nếu để lâu ngày sẽ chết lụi như cửa Bassac bên sông Hậu. Do yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, năm 2000, Chính phủ phê duyệt dự án thủy lợi Bắc Bến Tre gồm 5 cụm công trình mục tiêu ngăn mặn, dẫn ngọt phục vụ ngọt hóa hơn 100 nghìn ha đất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 800 nghìn người, cải thiện tình hình giao thông. Hệ thống công trình thủy lợi gồm : Cống đập Ba Lai, cống đập, âu thuyền An Hóa và Bến Tre, cống lấy nước Bến Rớ, cống Tân Phú; Đê sông Hàm Luông, sông Mỹ Tho, đê hạ lưu cống đập Ba Lai và các cống dưới đê; Nạo vét, cải tạo phần thượng nguồn sông Ba Lai và hệ thống kênh cấp 1; Nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng; và các công trình phụ trợ, kết hợp giao thông, trữ nước ngọt. Cho đến nay mới chỉ có cống đập Ba Lai được xây dựng, các hạng mục công trình khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Do đầu tư không đồng bộ nên vừa qua, mới có hiện tượng bồi lấp cửa sông Ba Lai. Biện pháp khắc phục là tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các công trình còn lại, đặc biệt là ưu tiên nạo vét thượng nguồn, xây cống Bến Rớ lấy nguồn nước cho công trình Ba Lai. Khi có đủ lưu lượng cần thiết, cống Ba Lai được vận hành theo quy trình với tốc độ thích hợp, kết hợp với nạo vét sẽ giải quyết được việc bồi lấp ở hạ lưu cống (vùng cửa sông Ba Lai). Đây là tác động của con người làm sống lại cửa sông Ba Lai.
PV: Hai thập niên gần đây, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặc biệt vùng đầu nguồn thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp tốc độ về xói lở bờ sông tăng rất nhanh. Theo ông, nguyên nhân và biện pháp ứng phó, khắc phục trước mắt cũng như lâu dài như thế nào?
TVT: Việc xói bồi lòng sông, cửa biển là chuyện của trời đất, trong đó có cả yếu tố tác động của con người gây ra. ĐBSCL thuộc loại đồng bằng trẻ, địa chất yếu, nên càng dễ bị tác động của tự nhiên và con người. Phía thượng nguồn xây các nhà máy thủy điện, lượng phù sa về hạ lưu ngày càng giảm dần. Do phát triển sản xuất nông nghiệp, người dân phải lên bờ bao, đã biến dòng chảy tràn thành dòng chảy tập trung mạnh hơn vào dòng chính trên sông Hậu, sông Tiền. Phát triển giao thông thủy, khai thác cát không theo quy hoạch, tải trọng công trình quá lớn bên các bờ sông vv…là các nguyên nhân gây nên xói lở bờ sông.
Giải pháp ứng phó với việc xói lở bờ sông về lâu dài phải theo xu thế của thế giới là tôn trọng xu thế tự nhiên của sông rạch, bảo vệ môi trường sinh thái. Nguyên tắc chỉnh trị sông là phải theo thế sông, không thể chỉ theo ý chí của con người. Bài học trả thù của thiên nhiên không phải ai cũng thuộc. Ở những vùng thành phố, thị xã, thị trấn ven sông bắt buộc phải sử dụng các công trình cứng để bảo vệ. Lòng sông Cửu Long rất sâu, có nơi đến 40-50 m, làm công trình mỏ hàn rất khó, khối lượng lớn, rất tốn kém cho nên thường áp dụng bờ kè, việc bảo vệ bờ cần chú ý giải quyết phần ổn định của công trình dưới nước. Cần tăng cường công tác dự báo để người dân có các biện pháp ứng phó chủ động với xói lở bờ. Đối với vùng cửa biển việc xói lở chủ yếu do tự nhiên, cần có các đề tài nghiên cứu thiết thực để làm cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch chỉnh trị cửa sông.
PV: Theo GS Nguyễn Ngọc Trân việc đi lại của tàu biển theo luồng vào sông Hậu qua cửa Định An ngày càng khó, bởi quy luật bồi lắng bùn cát ở cửa sông, và mặt khác bởi cách nạo vét cầm chừng, không tới nơi, tới chốn từ nhiều năm nay. Ông Trân cho biết thêm, từ 20 năm qua, chỉ riêng công tác nạo vét luồng Định An đã tiêu tốn mỗi năm khoảng 1 triệu USD. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng công tác này là lãng phí và kém hiệu quả vì quá trình bồi lắng diễn ra quá nhanh. Chẳng nhẽ chúng ta lại bó tay, ngồi chờ trời cứu?
TVT: Giao thông thủy là ưu thế đặc biệt do thiên nhiên ban tặng cho ĐBSCL. Ngoài việc phải giải quyết đủ mớn nước cho các tầu trọng tải lớn vào sông Hậu còn phải đầu tư tăng cường tốc độ bốc xếp của các cảng, hạ giá thành để cạnh tranh với các nơi khác. Đối với cửa Định An, biện pháp nạo vét cửa sông, lợi dụng đỉnh triều để cho tầu vào cảng Cần Thơ chỉ là giải pháp tình thế. Hiện nay, Chính phủ đang có giải pháp thực hiện đào kênh tắt Quan Chánh Bố để tránh cửa Định An. Nhiều nơi trên thế giới đã dùng giải pháp này. Ngay ở miền bắc để tránh sự bồi lấp ở sông Cấm, đã đào kênh tắt từ cảng Hải Phòng đến sông Nam Triệu, ngày nay đang nối sông Nam Triệu sang sông Tranh ở cửa Lạch Huyện. Đối với dự án kênh tắt Quan Chánh Bố ở sông Hậu cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, khống chế cửa sông bằng đê ngăn cát, giảm sóng để đạt hiệu quả tốt nhất.
PV: Chiến lược phát triển và khai thác sử dụng nguồn nước sông Cửu Long có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nước nói chung. Xin ông cho biết ý kiến về vần đề nêu trên?
TVT: Đúng thế. Nhìn rộng hơn, lâu nay chúng ta bị động bởi vì vai trò của Bộ Kế hoạch đầu tư xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long thường vừa chậm, vừa yếu về chất lượng cho nên không làm tròn trách nhiệm của vai trò “nhạc trưởng” cho các quy hoạch phát triển của các ngành, các địa phương. Cần phải thay đổi tư duy về phương pháp luận và cách tiếp cận làm chiến lược phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng. Chính phủ nhiệm kỳ mới cần tổ chức lại công tác quản lý lưu vực sông của 2 Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trên nền tảng của mối quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất lấy hiệu quả thực tế làm thước đo. Chúng ta ở hạ lưu sông Cửu Long, phải hứng chịu mọi tác động ở thượng lưu cả về số lượng và chất lượng nước. Phải đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế về việc sử dụng nguồn nước sông Cửu Long một cách vững bền. Xu thế, dân số các nước trong lưu vực sông Cửu Long ngày càng tăng, nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm cho nên trong quy hoạch của các ngành phải có các giải pháp chủ động bằng cả công trình và phi công trình với các lộ trình cụ thể vì cuộc sống của nhân dân.
1- Xu thế phát triển tự nhiên của ĐB sông Cửu Long ( mật độ dòng chảy thấp dần về phía Đông) , hiện tượng bồi lấp tạo nên các cù lao vẫn diễn ra như nó phải thế . Vấn đề về bồi lấp dường như chỉ là sớm hay muộn. Mình tự hỏi có thể xây hệ thống đê biển ngăn nước như ở Hà Lan. Như vậy sẽ giải quyết triệt để hơn tình trạng nước biển tràn vào.

2 - Sự phát triển thiếu đồng bộ của 8 dự án. Cống đập xây năm 2000 nhưng đến 2010 các dự án còn lại vẫn... trên giấy ??
Nếu như thượng nguồn sông Ba Lai được nạo vét thì hiện tượng bồi lấp sẽ giảm đi .

ĐẤT NƯỚC TA LIỀN MỘT DẢI
MỤC NAM QUAN ĐẾN MŨI CÀ MAU

Đối với bất cứ vật gì thì “mũi” là nơi nhạy cảm và quan trọng bậc nhất. Từ thuở “mang gươm đi mở cõi”, ông cha ta đã gọi mỏm đất cực Nam ấy là “Mũi Cà Mau” cũng vì nhận thức được tầm quan trọng của nó. Mũi Cà Mau là điểm cực Nam của dải đất hình chữ S , tạo nên hình hài độc đáo của Tổ quốc ta trên bản đồ thế giới để mọi người dễ tìm, dễ thấy. Và mỏm đất quan trọng bậc nhất ấy đang có nguy cơ bị biến mất do sự tác động của sóng gió, biến đổi dòng chảy nhưng chủ yếu do sự vô tâm và vô cảm của con người.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng cả ở trung ương và địa phương trong mấy năm gần đây đã luôn cảnh báo tình trạng mũi Cà Mau đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay cả con lộ đá, rộng khoảng 4 m được bảo vệ phía ngoài bằng kè đá vững chắc, với các nhà nghỉ cho khách du lịch thì nay, tất cả các công trình nói trên đã bị “Hà Bá” nuốt chửng! Con lộ xi măng dọc theo khu du lịch Lý Thanh Long, dẫn đến một nhà hàng thủy tạ cũng đã bị sóng biển cuốn trôi. Ngay cả dãy bờ biển chạy dọc về hướng đông cũng đang hàng ngày hứng chịu cảnh biến xâm thực đất liền.

Đất Mũi Cà Mau lấn ra biển nhìn từ hướng Đông Nam.

Nhiều người dân sống ở địa phương cho rằng việc xói lở do tác động của con người vào tự nhiên từ khi xây dựng khu du lịch Mũi Cà Mau, đưa cơ giới vào đào xới, lấy cát vùng bãi bồi, đào hào lấy đất xây lộ làm đảo lộn cân bằng môi trường sinh thái. Nhiều vùng lân cận phá rừng ngập mặn, nuôi tôm cũng tác động đến biến đổi dòng chảy và đa dạng sinh học của cả khu vực. Người viết bài này, có lần được nghe trực tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể lại, Ông đã phải 2 lần đích thân đi chỉ huy dẹp lọan “phá rừng ngập mặn” nuôi tôm ở bán đảo Cà Mau . Ông Sáu Dân cũng là người chỉ đạo, dốc lòng cổ vũ, góp sức xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ thành “lá phổi” của thành phố Hồ Chí Minh. Vai trò, giá trị của rừng ngập mặn rất quan trọng như tấm lá chắn bảo vệ đất liền, là nơi cư trú của nhiều loại thủy hải sản, và đặc biệt là tác dụng lấn biển của cây mắm, cây đước. Không chỉ ở đất Mũi Cà Mâu, mà ngay tại vùng ven sông Cần Giuộc, từ năm 1975 đến nay cũng đã lở vào khoảng 200 m đất. Ngày xưa ven sông là dãy bần , mắm và dừa nước mọc dọc bờ sông. Lúc đó, sinh hoạt đường thủy là chính, nhà nào cũng có một cầu tàu nhỏ vừa đủ để làm bến ghe lúc nước ròng, vừa làm nơi lấy nước sinh hoạt. Chỉ có khu vực cầu khoảng 1m là không có cây mắm, cây bần, xen kẽ là một dãy cây xanh gần giống rừng phòng hộ Cần Giờ. Những năm đời sống khó khăn sau 1975, cây mắm, cây bần được chặt làm củi tận gốc , dần dần bị mất tiêu. Dừa nước cũng không ai trồng vì không còn bán được lá. Thế là dòng sông mất đường viền bảo vệ và sạt lở “gặm nhấm ” dần vào sâu đất thổ cư và vườn ruộng.

Nhìn lại quá trình chinh phục thiên nhiên, chúng ta đã tốn không biết bao nhiêu là tiền của vào công tác nghiên cứu và xây dựng các công trình chống xói lở từ Nam ra Bắc. Thành công có nhưng thất bại cũng không ít. Tôi nhớ có lần Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ phát biểu trong cuộc hội thảo đại ý như sau: "Xưa kia mối khi thất bại điều gì , chúng ta thường bảo do tại ĐQPK (đế quốc phong kiến) ngày nay nếu công trình nào thất bại dễ nhất là cứ đổ cho BĐKH (biến đổi khí hậu)"! Nghe thật chua xót, đắng cay nhưng đó là sự thật. Trong quản trị/kinh tế đã lâu rồi người ta không chỉ nói đến tài sản hữu hình mà còn nói đến cả tài sản vô hình. Diện tích của một quốc gia, có bao nhiêu đảo, bao nhiêu đất thì đó chỉ là tài sản hữu hình. Nhiều quốc gia hùng mạnh từng đi xâm chiếm các nước khác để cướp đoạt tài nguyên và tài sản hữu hình này thì nay họ thu hút tài sản vô hình đó bằng nguồn nhân lực. Các nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân chủ yếu gây ra hàng loạt thiên tai như nước biển dâng, xâm nhập mặn có thể đến năm 2050 sẽ làm mất đi một phần lãnh thổ của nhiều nước trên thế giới, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta sẽ phải gánh chịu nặng nề. Song cái Mũi Cà Mau, biểu tượng tự hào của Tổ quốc luôn vươn lên, tiến ra biển chứ không phải đứng trước biển là tài sản quốc gia phải được gây dựng từ hiệp đồng trí tuệ của cả một dân tộc kể cả các chuyên gia Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài. Có thể biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ đe dọa làm mất đi nhiều phần của lãnh thổ song chúng ta không chỉ giữ hình ảnh Mũi Cà Mau trong sách sử mà hãy gây dựng và trỗi dậy những giá trị của Mũi Cà Mau, giá trị chinh phục vùng đất mới mà bây giờ không phải là những vùng đất hữu hình mà là vùng đất khoa học kỹ thuật với đầy trách nhiệm xã hội cho cộng đồng và nhân loại.

Để có giải pháp phòng chống thiên tai và “nhân tai” đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa xâm thực Mũi Cà Mau, trước hết phải xác định được đúng nguyên nhân thực chất bằng định lượng về xói lở mũi Cà Mau (có chẩn đoán đúng bệnh mới chữa được bệnh). Từ lâu, các nhà khoa học trên thế giới đã nhận thức khu vực ven biển là một hệ thống rất đa dạng và phức tạp gồm những vùng bị ngập bởi thủy triều, rừng ngập mặn, đầm lầy, và bãi triều, bãi biển, cồn cát cho nên rất cần quy hoạch tổng thể đới bờ biển theo hướng tiếp cận liên ngành. Các chương trình quản lý tổng hợp đới biển bao gồm cả công tác phòng chống thiên tai và bảo tồn tài nguyên. Sự tham gia của người dân sẽ là sự đảm bảo hữu hiệu của các giải pháp quản lý. Cách tiếp cận hiệu quả nhất để phát triển ven biển và kỹ thuật ven biển là thích ứng hay bắt chước thiên nhiên. Các phương pháp đánh giá tác động môi trường kể cả đánh giá tác động về xã hội (SIA) là cần thiết để quản lý hiệu quả đới bờ, cải thiện hỗ trợ cho công tác quy hoạch và ra quyết định, đồng thời là cách đo lường những gì có thể xảy ra với người dân do thay đổi môi trường cụ thể.

Ngày nay, bài toán quy hoạch tích hợp cho việc nghiên cứu lượng hóa vùng mũi Cà Mau, theo chúng tôi cần được tiến hành các bước cụ thể sau đây: (1) Đánh giá hiểm họa bao gồm thu thập các số liệu cơ bản trên biển Đông và vùng ven biển Cà Mâu (trường gió, trường áp suất, các thành phần của thủy triều), cũng như tài liệu địa chất của vùng bờ Cà Mâu. Tính toán mô hình thủy lực (có hiệu chỉnh) cho biển Đông để xác định dòng chảy theo các mùa khác nhau. Kết quả của mô hình này sẽ được dùng làm điều kiện biên cho mô hình vùng ven biển Cà Mâu. Xây dựng mô hình tính sóng biển (có hiệu chỉnh) cho vùng ven biển của Cà Mâu. Xây dựng mô hình thủy lực (có hiệu chỉnh) kết nối với mô hình sóng cho vùng ven biển. Các mô hình này được kết nối với mô hình biến hình có hiệu chỉnh (morphology) cho vùng ven biển. Xây dựng bản đồ xói lở (bồi lắng) cho vùng ven biển Cà Mâu theo các kịch bản khác nhau. (2) Đề xuất Quy hoạch tích hợp (Integrated Coastal Zone Management-ICZM) trong đó có các quy hoạch sử dụng đất theo nghĩa rộng , quy hoạch đô thị kết hợp phát triển du lịch, các công trình bảo vệ bờ kết hợp giao thông, công trình giảm thiểu năng lượng sóng vv…(3) Đánh giá lại hiểm họa dựa trên quy hoạch đề nghị, tính toán hiệu quả kinh tế-xã hội-dân sinh của các phương án quy hoạch. 4) Bước 1 đến 3 nói trên cần được xem xét cẩn thận, rà đi rà lại để tìm ra các luận cứ đúng đắn và tối ưu nhất để có được một quy hoạch bền vững. Nếu không thực hiện theo các bước kể trên mà vội vã xây dựng các công trình chống xói lở ở Mũi Cà Mau thì lại "tiền mất, tật mang" tiếp tục làm mồi cho "Hà Bá"!

Mũi Cà Mau, mảnh đất nhỏ bé và vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc ta đang đứng trước nguy cơ bị biến mất! Trước bao nhiêu giông bão (về cả nghĩa đen và nghĩa bóng) mũi Cà Mau vẫn đứng vững, thế mà mũi Cà Mau có thể mất đi trong nay mai chủ yếu bởi chính chúng ta – những con người đã từng hy sinh để bảo vệ giữ gìn nó. Phải hành động ngay bằng mọi cách với các chương trình, kế hoạch cụ thể đồng bộ trước mắt cũng như lâu dài, để giữ gìn và tôn tạo vững chắc mảnh đất thiêng liêng ấy cho muôn đời con cháu chúng ta, để chúng mãi mãi còn được đọc vang trong lớp học một cách tự hào câu thơ từ lâu đã trở thành ca dao:

“Đất nước ta liền một dải
Từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau”

Tô Văn Trường
TT HUN SEN VÀ NHỮNG CON ĐẬP MEKONG

Tháng 11, 2010_ Thủ tướng Hun Sen, chỉ mới đây thôi, sau Hội Nghị Thượng Đỉnh ACMECS ở Nam Vang, lại một lần nữa đã bác bỏ mọi mối quan ngại về ảnh hưởng của các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng chảy sông Mekong. Ông khẳng định rằng chu kỳ lũ lụt hay hạn hán mới đây là hậu quả của thay đổi khí hậu / climate change và khí thải carbon / carbon emissions chứ chẳng liên hệ gì tới chuỗi những con đập thủy điện của Trung Quốc. (9)

Tháng 6, 2009_ Fred Pearce trong một tường trình Environment 360 Đại học Yale cho rằng xây đập chắn ngang sông Mekong là một đòn giáng nghiêm trọng / major blow đối với con sông Mekong dũng mãnh. Trung Quốc đang xây hàng loạt những con đập trên khoảng 2,800 dặm khúc sông Mekong thượng nguồn, sẽ giới hạn dòng chảy, làm mất đi chu kỳ lũ lụt hàng năm / annual flood pulse, con sông Tonle Sap chảy ngược vào Biển Hồ, như một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới. (12)

Tháng 7, 2005_ Thủ tướng Hun Sen, rất sớm cách đây hơn 5 năm, trước khi sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong như hiện nay, theo ông chẳng có vấn đề gì phải quan tâm. Ông công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, ông còn cho rằng các ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ họ chú ý tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm ngăn sự hợp tác nên có giữa 6 quốc gia. (3)

Tháng 11, 2002_ Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên Cứu Nhiệt Đới Smithsonian đã phát biểu: “Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông. Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc. (6)

TIỂU SỬ THỦ TƯỚNG HUN SEN

Sinh năm 1952 tại một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Kompong Cham bên bờ con sông Mekong, nhưng khai sinh sớm hơn [4/4/1951], để đủ tuổi gia nhập Khmer Đỏ. Học vấn qua bậc tiểu học, sau đó tham gia các phong trào tranh đấu. Có gốc là sĩ quan Khmer Đỏ, bị thương hư một mắt khi theo Pol Pot tấn công thủ đô Phnom Penh tháng 4, 1975. Sau đó đào ngũ qua Việt Nam trước 1979. Khi hơn 100 ngàn quân CS Việt Nam tràn qua Cam Bốt, lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, Hun Sen được đưa lên làm Ngoại Trưởng năm 27 tuổi, rồi Thủ tướng Cam Bốt từ tháng 1, 1985 lúc mới 33 tuổi, được coi là trẻ nhất, giữ ghế Thủ tướng lâu nhất của cả thế giới. Ông cũng đã cho biết trước sẽ ra tái tranh cử vào năm 2013, ở vào tuổi 61. [Phnom Penh Post, Jan 21, 2010]

Và nếu không có gì bất ngờ, ông Hun Sen sẽ còn thống lĩnh chính trường Cam Bốt và là khuôn mặt lớn của khối ASEAN trong hàng thập niên nữa.
Lãnh đạo Đảng Nhân Dân Cam Bốt, Hun Sen được giới ngoại giao và báo chí coi như một thứ “Người Hùng” của Cam Bốt. Năm 1987, từng bị Amnesty International lên án vi phạm nhân quyền vì các vụ tra tấn tù nhân chính trị. Bị các đối thủ lên án là “bù nhìn” của Hà Nội, nhưng thực tế Hun Sen đã rất bản lãnh và độc lập khi chọn đưa đất nước Cam Bốt vào gần quỹ đạo của Bắc Kinh. Nổi tiếng cai trị bằng đôi bàn tay sắt, nhưng cũng không thiếu tai tiếng về các vụ tham nhũng về đất đai, dầu khí và các hợp đồng khai thác tài nguyên của Cam Bốt.

Sẽ thiếu sót, nếu không ghi nhận ở đây, trong thời gian làm Thủ tướng, ông Hun Sen đã nhận được khoảng hơn 10 học vị Tiến sĩ Danh dự từ các đại học khác nhau trên khắp thế giới, trong đó có 2 học vị Tiến sĩ của Hà Nội: một về Chính trị học (1991), và một về khoa Giáo Dục (2007); chưa kể tới hàm Giáo sư về khoa Bang giao Quốc tế của một Đại học Costa Rica, Trung Mỹ. Với từng ấy quyền lực và hào quang, Hun Sen được quốc vương Sihanouk phong cho phẩm tước cao quý “Samdech” [Wikipedia] và còn được mệnh danh là “Đứa Con của Đế quốc Khmer / The Son of the Khmer Empire”.

TỪ ỦY BAN SÔNG MEKONG 1957-1976

Năm 1957, [lúc đó Hun Sen mới chỉ là một cậu bé 5 tuổi] giữa thời kỳ chiến tranh lạnh, với bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, một Ủy Ban Sông Mekong [Mekong River Committee] được thành lập bao gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Nam Việt Nam và một văn phòng thường trực đặt tại Bangkok; với kế hoạch phát triển vùng Hạ Lưu sông Mekong nhằm cải thiện cuộc sống cho toàn thể cư dân sống trong lưu vực. Nhưng rồi, Chiến Tranh Việt Nam đã lan rộng ra cả ba nước Đông Dương qua hơn ba thập niên, nên kế hoạch xây dựng các đập thủy điện lớn chắn ngang sông Mekong vùng Hạ Lưu đã gián đoạn, khiến cho con sông Mekong còn giữ được vẻ hoang dã và cả nguyên vẹn thêm một thời gian nữa.

TỚI ỦY BAN MEKONG LÂM THỜI 1978 - 1992

Chiến Tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, nhưng vẫn còn một cuộc chiến tranh diệt chủng trên Xứ Chùa Tháp. [Lúc đó Hun Sen đang là một sĩ quan trẻ trong lực lượng Khmer Đỏ]. Không có Cam Bốt, một Ủy Ban Mekong Lâm Thời [Mekong Interim Committee] được thành lập năm 1978 với hoạt động hạn chế. Cũng trong thời gian này, Thái Lan có kế hoạch chuyển dòng sông Mekong nhằm đưa một lượng nước lớn bơm tưới cho vùng đông bắc Thái Lan khô hạn. Gặp sự chống đối của Việt Nam, Thái Lan đi tới phủ nhận tính cách pháp lý của Ủy Ban Sông Mekong, viện lý do là tổ chức này đã không còn phù hợp với những thay đổi về chánh trị, kinh tế và xã hội trong vùng. Trong điều kiện phân hóa như vậy, Ủy Ban Lâm Thời Mekong hầu như bị tê liệt.

TỚI ỦY HỘI SÔNG MEKONG 1995-2010

Bước vào thời bình do nhu cầu phát triển, con sông Mekong đã trở thành mục tiêu khai thác của 6 quốc gia trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong [Greater Mekong Subregion]. Cùng là những nước ven sông nhưng mỗi quốc gia lại có những ưu tiên về phát triển khác nhau với những quyền lợi mâu thuẫn. Do đó, phục hồi một tổ chức điều hợp liên quốc gia tương tự như Ủy Ban Sông Mekong trước đây là cần thiết.

Ngày 05 tháng 04 năm 1995, 4 nước hội viên gốc của Ủy Ban Sông Mekong đã họp tại Chiang Rai, Thái Lan cùng ký kết một “Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Hạ Lưu Sông Mekong” và đổi sang một tên mới là Ủy Hội Sông Mekong / Mekong River Commission [ thay vì Committee] với một thay đổi cơ bản trong Hiệp Ước mới này – thay vì như trước đây, mỗi hội viên có quyền phủ quyết bất cứ một dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại tới dòng chính sông Mekong, thì nay không cho một thành viên nào có quyền như vậy. [Thời điểm này, ông Hun Sen đã là Thủ tướng của Cam Bốt được 10 năm 1985-95]. Có thể nói Ủy Hội Sông Mekong là “biến thể và xuống cấp” của Ủy Ban Sông Mekong trước kia.

YẾU TỐ TRUNG QUỐC NHƯ MỘT NHÂN TAI

Sau thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Không còn ảnh hưởng thống trị của Mỹ ở Đông Nam Á, Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành yếu tố mới năng động với ảnh hưởng bao trùm trên toàn Lưu Vực Lớn Sông Mekong.

Trung Quốc như một con bài chủ nhưng lại từ chối tham gia vào Ủy Hội Sông Mekong. Do nhu cầu điện năng của Trung Quốc tăng 5-6% mỗi năm, để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế, trước viễn tượng nguồn dầu khí ngày càng cạn kiệt, với khát vọng vô hạn về năng lượng, rõ ràng không có dấu hiệu nào Trung Quốc sẽ dừng bước hay chậm lại kế hoạch khai thác nguồn thủy điện phong phú của tất cả các con sông trong đó có sông Mekong.

Không kể các con sông trong lãnh thổ Trung Quốc, còn phải kể những con đập trên các dòng sông liên quốc gia. Không phải chỉ có chuỗi 14 con đập Bậc thềm Vân Nam trên sông Mekong, Trung Quốc cũng đang ồ ạt xây những con đập Á châu khác, như:

_ Trên Sông Irrawaddy: Bắc Kinh đang xây con đập thủy điện lớn nhất Miến Điện, Myitsone 3,600 MW từ cuối năm 2007. Theo tờ báo của nhà nước The New Light of Myanmar, từ tháng 5 năm 2007 Miến Điện đã hoàn tất phác thảo thêm 7 dự án thủy điện cũng trên sông Irrawaddy với tổng công suất lên tới 13,360 MW, do một ký kết giữa China Power Investment Corporation và Bộ Điện Lực Miến Điện.

_ Trên Cao Nguyên Tây Tạng : Các con sông lớn Châu Á đều bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. Phía đông ngoài hai con sông lớn Hoàng Hà và Dương Tử hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, còn phải kể tới ba con sông khác: Mekong, Irrawaddy và Salween. Phía tây và tây nam là các con sông: Indus, Sutlej và Yarlung Zangpo.

Bắc Kinh sẽ xây con đập đầu tiên trên sông Yarlung Zangbo – Brahmaputra, “con sông cao nhất thế giới”, trên rặng Hy Mã Lạp Sơn. Đây là dòng sông huyết mạch của bao nhiêu triệu cư dân Ấn. Trung Quốc cho biết họ sẽ còn xây thêm 4 con đập nữa trong vùng thung lũng giữa hai quận hạt Sangro và Jiacha. Khi hoàn tất, tổng số công suất của những con đập thủy điện này sẽ “nhiều lần lớn hơn” công suất con đập Tam Hiệp / Three Gorges Dam, lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử.

Ấn Độ đã bày tỏ mối quan tâm về những con đập sắp tới của Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp trên lưu lượng con sông Brahmaputra, là nguồn cung cấp nước cho nông nghiệp và kỹ nghệ các tỉnh Đông Bắc Ấn.

Anant Krishnan, nhà ngoại giao cao cấp Ấn cho rằng kế hoạch xây đập của Bắc Kinh, cho dù đó là trong lãnh thổ Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu trên mối quan hệ đối với các quốc gia hạ nguồn. Rồi ông ta không quên so sánh:“Ấn Độ bị báo động vì những con đập trên sông Yarlung Zangbo- Brahmaputra, cũng giống như các quốc gia Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam đối với những con đập Vân Nam trên thượng nguồn sông Mekong”.

Chỉ riêng với các kế hoạch khai thác sông Mekong của Trung Quốc, Tyson Roberts thuộc Viện Nghiên Cứu Nhiệt Đới Smithsonian đã nhận định: “Xây các đập thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng sông... Các bước khai thác của Bắc Kinh sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần, cũng giống như con sông Dương Tử và các con sông lớn khác của Trung Quốc.” (6)

Theo luận điệu của Trung Quốc thì chỉ có 13.5% lưu lượng sông Mekong đổ xuống từ khúc sông Lan Thương, so với lưu lượng trung bình hàng năm sông Mekong đổ ra Biển Đông, do đó các con đập Vân Nam không có ảnh hưởng đáng kể tới hạ nguồn; nhưng theo Milton Osborne, chuyên gia uy tín về Đông Nam Á và là tác giả những cuốn sách “The Mekong: Turbulent Past, Uncertain Future” thì trong Mùa Khô, lưu lượng nước từ sông Lan Thương ở một số nơi hạ nguồn, chiếm tới 40% , gấp 3 lần con số Trung Quốc đưa ra.

Như một điệp khúc từ phía Trung Quốc, và hơn một lần được Thủ tướng Hun Sen lặp lại, là ảnh hưởng tác hại chuỗi đập Vân Nam trên sông Mekong là không có thực. CỰC THỨ BA VÀ HÂM NÓNG TOÀN CẦU

Khối băng tuyết Hy Mã Lạp Sơn, chỉ đứng sau Bắc Cực và Nam Cực, hay còn được gọi là “Cực Thứ Ba / The Third Pole”. Lonnie Thompson, nhà băng tuyết học thuộc Đại học Ohio, đã mệnh danh đây là “ngân hàng nước ngọt Á Châu / Asia’s freshwater bank account”cung cấp nguồn nước cho ngót 1/3 cư dân trên hành tinh này. [National Geographic, April 2010, Vol.217, No.4]

Tổ chức WWF / World Wide Fund đã đưa ra lời cảnh báo là hiện tượng Hâm Nóng Toàn cầu / Global Warming, khiến những khối băng trên rặng Hy Mã lạp Sơn mau chóng thu nhỏ lại, với vận tốc từ 10 tới 15 mét / năm, có thể làm thiếu hụt nước của hàng trăm triệu cư dân sống phụ thuộc vào những con sông có nguồn nước từ những khối băng tuyết này.

Với hậu quả ngắn hạn ban đầu sẽ là gia tăng lưu lượng nước sông do tuyết tan, nhưng theo Jennifer Morgan, giám đốc Chương Trình Biến Đổi Khí Hậu Toàn Cầu / Nature's Global Climate Change Programme, thì chỉ vài thập niên sau đó, tình hình sẽ đảo ngược. Khối băng tuyết Hy Mã Lạp Sơn cấp nguồn nước cho 7 con sông lớn của Châu Á trong đó có con sông Mekong sẽ bị sút giảm, rồi ra mực nước các con sông ấy sẽ xuống rất thấp. (11)

Sông Mekong đã thiếu nước từ nguồn, nay phần nước thiếu hụt ấy lại bị giữ trong chuỗi các hồ chứa những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam, lấy nước như vậy thì làm sao không ảnh hưởng trên dòng chảy của các khúc sông hạ nguồn?

Nhưng với Wang Xiaodong chuyên viên nghiên cứu Hoa Lục thì không có gì để họ phải bận tâm, bởi vì “Đó là đất và là nước của chúng tôi. Đó là quyền của chúng tôi muốn làm gì thì làm.” Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi một giáo sư am hiểu tình hình Trung Quốc đã đưa ra nhận xét là trong bang giao quốc tế “Trung Quốc chưa hề có một hồ sơ theo dõi tốt – good track records”.

GIẢI PHÁP NGẮN HẠN ĐỂ SỐNG CÒN

Tuần lễ đầu của tháng 10 vừa qua [2010], trong một email trao đổi với người viết, GS Võ Tòng Xuân cho biết: “Mùa Nước Nổi của Đồng Bằng Sông Cửu Long đến hôm nay / ngày 4 tháng 10, vẫn chưa đạt mức 30 cm, thấp hơn trung bình các năm trước là khoảng 1 mét”. Chưa bao giờ mà nông dân Miền Tây mong lũ về đến như vậy. Họ đã từng chung sống với lũ, với nước tràn đồng và bao nhiêu cái lợi do lũ đem tới. Lũ đem nguồn cá đổ xuống từ Biển Hồ, đem phù sa như nguồn phân bón thiên nhiên, con nước ấy còn có tác dụng rửa phèn, đẩy mặn không cho nước mặn lấn sâu thêm vào vùng châu thổ. Nhịp đập khỏe mạnh của trái tim Biển Hồ cũng là sức sống của hai con Sông Tiền, Sông Hậu và toàn mạng lưới kinh rạch của ĐBSCL.

Rất sớm từ 6 năm trước, trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Ánh Nguyệt / RFI [12/2004] khi được hỏi về tình trạng nhiễm mặn ngày càng trầm trọng nơi ĐBSCL từ ngày Trung Quốc không ngừng tiến hành xây những con đập khổng lồ Vân Nam, GS Võ Tòng Xuân đã phát biểu :

Nông dân ĐBSCL thích nghi nhanh, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp: bỏ hẳn giống lúa cổ truyền chuyển sang trồng lúa cao sản, nên chủ động tránh được lũ cũng như hạn hán. Ở những vùng bị nhiễm mặn, thay vì trồng lúa thì chuyển qua những loại cây khác hay chuyển qua sản xuất nuôi tôm xú chịu được nước lợ; rồi phong trào nuôi cua biển đang phát triển mạnh, người nông dân sẽ dùng nguồn nước mặn này để nuôi thủy sản với giá thành cao hơn là trồng lúa. Hiện nay Viện Lúa ĐBSCL đang vận dụng công nghệ sinh học, tìm những genes chịu mặn nhằm lai tạo những giống lúa cao sản tương đối chịu mặn hơn các giống lúa thường chứ không phải là chịu nước mặn hoàn toàn”. (5)

BIỂN HỒ TRÁI TIM CỦA CAM BỐT

Với đất nước Cam Bốt, ai cũng biết rằng trái tim Biển Hồ chỉ còn đập khi sông Mekong trong Mùa Mưa còn đủ nước đổ vào sông Tonle Sap tạo dòng chảy ngược vào Biển Hồ như một hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu. Là hồ cạn chỉ với diện tích 2,500 km2 trong Mùa Khô, nhưng từ tháng 5 đến tháng 9 khi bước sang Mùa Mưa, nước con sông Mekong dũng mãnh đổ về, khiến sông Tonle Sap đổi chiều, chảy vào Biển Hồ làm nước hồ dâng cao hơn từ 8 tới 10 mét và tràn bờ; diện tích Biển Hồ tăng gấp 5 lần, khoảng hơn 12,000 km2. Những cánh rừng lũ / flooded forest của Biển Hồ là cái nôi để nuôi dưỡng và tái sinh nguồn thực phẩm khổng lồ chủ yếu là cá, chiếm tới hơn 60% nguồn cá của Cam Bốt. Chính con sông Mekong và Biển Hồ từng là cái nôi của nền văn minh Angkor và nay là cái nôi của nền văn minh xứ Chùa Tháp, và chưa hề có bảo đảm nào cho một tương lai bền vững của Biển Hồ khi mà không thiếu những dấu hiệu xấu dồn dập đổ xuống từ ngày có những con đập Vân Nam.

Nhưng với ông Thủ tướng Hun Sen, thì lại chẳng có gì phải lo lắng. Hồi tháng 6 năm 2005, nhân buổi lễ thả cá giống vào một hồ phía đông Cam Bốt, ông Hun Sen đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong lúc bấy giờ, theo ông sẽ chẳng có vấn đề gì phải quan tâm. Trước khi bay sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, ông đã công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, cho dù điều ấy đi ngược lại ý kiến quan ngại gần như báo động của các chuyên gia bảo về môi sinh. Đi xa hơn thế nữa, ông Hun Sen còn cho rằng ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ là họ chú ý tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm ngăn chặn sự hợp tác nên có giữa 6 quốc gia. [AFP, 6/29/05].

Ông Hoàng Sihanouk tuy không còn quyền lực, nhưng đã có một tầm nhìn xa hơn ông Hun Sen. Từ tháng 11/ 1993, do một sắc lệnh của Hoàng Gia Cam Bốt, quy định Biển Hồ là Khu Đa Dụng Bảo Tồn / Multiple Use Protected Areas. Tiếp theo đó, qua bao vận động của Sihanouk, tới tháng 10/1997, Biển Hồ được UNESCO công nhận là Khu Bảo Tồn Sinh Thái / Biosphere Reserve của Thế Giới.

Lại chỉ mới đây thôi, ngày 17 tháng 11 năm 2010, tại thủ đô Nam Vang bên bờ con sông Tonle Sap, một lần nữa Thủ tướng Hun Sen, sau Hội Nghị Thượng Đỉnh ACMECS [ Ayeyawady-Chao Praya-Mekong Economic Cooperation Strategy ] gồm 5 nước Cam Bốt, Miến Điện, Lào, Thái Lan và Việt Nam, đã phủ nhận và bác bỏ mọi mối quan ngại về ảnh hưởng của các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng chảy sông Mekong. Ông khẳng định rằng chu kỳ lũ lụt hay hạn hán mới đây là hậu quả của thay đổi khí hậu chứ chẳng liên hệ gì tới chuỗi những con đập thủy điện của Trung Quốc. (9)

Khi nói chuyện với các phóng viên, Thủ tướng Hun Sen đã “diễu cợt / mocked” họ về các ý tưởng cho rằng các con đập trên thượng nguồn sông Mekong đưa tới hậu quả làm tụt giảm mực nước có tính cách lịch sử trong thời gian vừa qua. Như một thách đố, ông đưa ra câu hỏi: “Liệu mực nước lên xuống dọc theo sông Mekong có phải là do các đập thủy điện hay không?” Rồi cũng rất tự tin, ông Hun Sen tự đưa ra câu trả lời bằng những con số: “Năm 1998, mực nước Sông Mekong tụt thấp tới mức kỷ lục 7.5 mét, nhưng tới năm 2000, mực nước lại cao tới 12 mét.

Cần mở một dấu ngoặc ở đây về hai thời điểm mà ông Hun Sen nêu ra:

_ Năm 1998, đã có con đập thủy điện lớn đầu tiên của Trung Quốc chắn ngang dòng chính sông Mekong: đập Mạn Loan / Manwan 1,500 MW hoàn tất từ 1993, tiếp tục lấy nước và hoạt động toàn công suất từ 1995; lại thêm con đập thứ hai Đại Chiếu Sơn / Dachaoshan 1,350 MW cũng đang được xây cất. Không đủ mưa, lại bị giữ nước trong hồ chứa, đã khiến mực nước hạ lưu sông Mekong xuống rất thấp tới 7.5 mét.

_ Năm 2000, khoảng tháng 8-9 năm đó, do những những trận “mưa gió mùa / monsoon rains”rất lớn và kéo dài bất thường, lại thêm hiện tượng “cường triều / high tides” ngăn lũ thoát ra Biển Đông nên đã đẩy mực nước sông Mekong vùng hạ lưu lên cao tới 12 mét, gây cảnh lũ lụt tệ hại nhất trong nhiều thập niên với nhiều tổn thất cả về vật chất lẫn nhân mạng từ Cam Bốt xuống đến ĐBSCL. (14)

_ Năm 2010, trong mấy tháng đầu của năm nay, mực nước lại xuống thấp tới mức kỷ lục trong vòng 50 năm qua ở vùng đông bắc Thái và Lào, gây bao nhiêu lo ngại về an toàn thực phẩm, nước uống và thủy lộ giao thông. Đây cũng là thời kỳ con đập thứ tư Tiểu Loan/ Xiaowan 4,200 MW, sau con đập Cảnh Hồng / Jinghong, còn được gọi là “con đập mẹ” với dung lượng hồ chứa lên tới 15 tỉ mét khối – bằng tổng số dung lượng tất cả các hồ chứa khác của tỉnh Vân Nam, đang lấy nước vào hồ chứa và bắt đầu hoạt động phát điện.

Nhưng cũng vẫn theo ông Hun Sen, thì đơn giản đó chỉ là do biến đổi khí hậu và khí thải carbon; chính khí thải carbon đã làm những cơn mưa thay đổi bất thường. Rồi ông mạnh miệng khuyên nhủ: “Vậy các nhà hoạt động môi sinh đừng có quá đáng / don’t be too extreme, và cũng đừng nói rằng vì các đập thủy điện mà thiếu nước ở hạ nguồn. Đó là một sai lầm”. Thấy như vậy chưa đủ, ông Hun Sen còn hỏi ngược: “Năm qua Trung Quốc cũng bị hạn hán, các anh sẽ lên án Trung Quốc ra sao khi mà chính họ cũng thiếu nước?”(8)

Không ai phủ nhận “thay đổi khí hậu” là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là duy nhất. Hiện tượng bất thường ấy không loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng lâu dài khác của các con đập lớn trên sông Mekong.

Trung Quốc không chỉ đang ào ạt [a] Xây thêm những con đập thủy điện khổng lồ chắn ngang dòng chính sông Mekong, mà còn thực hiện kế hoạch; [b] Phá đá và khai thông các khúc sông ghềnh thác để mở thủy lộ cho các con tàu 700 tấn đi về phương Nam và bất chấp hậu quả ra sao trên dòng chảy; [c] Dùng sông Mekong làm con đường vận chuyển dầu khí từ giang cảng Chiang Rai lên Vân Nam. [d] Chưa kể tới nguy cơ vỡ đập, điều mà chính các học giả và chuyên gia môi sinh Trung Quốc đã lên tiếng báo động do vùng Tây Nam Trung Quốc là vùng động đất. (13)

Phải nhìn bức tranh toàn cảnh phức tạp, với những tác hại tích lũy và dây chuyền của các con đập thủy điện trên nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa, lúa gạo, và cả gây ô nhiễm nơi hạ nguồn, chứ không thể như ông Hun Sen giản lược một cách thô thiển bằng “hai con số” và một cụm từ “thay đổi khí hậu” rất thời thượng.

Trong khi chính Bắc Kinh đang phải vất vả chống đỡ với sức ép của dư luận và cả cố gắng xoa dịu sự chống đối của các nhóm cư dân vùng Bắc Thái và Lào đang là nạn nhân trực tiếp của các con đập Vân Nam, thì ông Hun Sen lại tự nguyện biến mình thành “một luật sư hùng biện cho Trung Quốc / nhưng bất cần lý lẽ.

Bây giờ thì cụm từ “Thay Đổi Khí Hậu” của Phó Tổng Thống Al Gore, đã trở thành “cái dù che” cho những nhà lãnh đạo nếu không do thiếu hiểu biết thì cũng do động cơ chính trị, một thứ “chủ nghĩa cơ hội” và tránh né trách nhiệm.

Ông Hun Sen lãnh đạo quốc gia Cam Bốt, khi đứng trước nguy cơ cả một hệ sinh thái của con sông Mekong và Biển Hồ đang bị suy thoái “một cách hiển nhiên và nhãn tiền” thì chính ông đã lại cố ý phủ nhận bao nhiêu mối quan tâm chính đáng và đầy trí tuệ trong suốt mấy thập niên qua của bao nhiêu chuyên gia bảo vệ môi trường và của các tổ chức môi sinh phi chính phủ như TERRA/ Towards Ecological Recovery and Regional Alliance, IRN / International River Network…

Thái độ của ông Hun Sen rõ ràng là “phủi tay rũ bỏ trách nhiệm” bằng cách đổ lỗi “cho thiên nhiên, cho thay đổi khí hậu” thay vì do sự bất lực của chính quyền do ông lãnh đạo từ bấy lâu nay. Trước hết ông đã không màng gì tới bao nhiêu nỗ lực để bảo vệ Biển Hồ, cũng là nguồn cá nguồn lúa gạo của ngót 15 triệu người dân Cam Bốt, rộng hơn là bảo vệ nguồn tài nguyên mong manh của con sông Mekong, đang đe dọa trên đời sống của ngót 70 triệu cư dân của 7 quốc gia ven sông.

Hơn bao giờ hết, Lưu vực Sông Mekong cần tới một “think tank” thuyết phục để không có tình huống cho những người như ông Hun Sen muốn nói gì thì nói một cách thiếu trách nhiệm và như một sỉ nhục trí tuệ đối với cộng đồng thế giới.

Theo Fred Pearce, thì vào đầu thập niên tới, chuỗi đập Vân Nam sẽ có khả năng giữ lại hơn nửa lưu lượng dòng chảy của con sông Mekong trước khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, con sông Mekong đã trở thành “Tháp Nước và Nhà Máy Điện” của riêng họ. (12)

Odd Bootha, 38 tuổi, anh lái đò bến Chiang Khong Bắc Thái, đã than thở “Nếu Trung Quốc cứ xây thêm đập thì sông Mekong chỉ còn là một con lạch.” Tình cảm bài Hoa rất mạnh ở vùng Bắc Thái, chính dân làng đã công khai chống lại kế hoạch phá đá phá ghềnh thác khai thông sông Mekong của Trung Quốc.

Cũng dễ hiểu là để có đủ nước vận hành những turbines trong các đập thủy điện Vân Nam, Trung Quốc đã thường xuyên đóng các cửa đập khiến mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất. Phía tả ngạn bên Lào, chỉ riêng trong tháng 3/2004 , tổ chức du lịch đã phải hủy bỏ 10 chuyến du ngoạn trên sông chỉ vì những khúc sông quá cạn.

Chainarong Sretthachau, giám đốc Mạng Lưới Sông Đông Nam Á cho rằng “Trung Quốc đã có quyền lực để kiểm soát dòng sông Mekong.” (7)

Chỉ vì sự thiển cận và những quyền lợi rất ngắn hạn nhận được từ Bắc Kinh, ông Hun Sen đã dễ dàng hy sinh một dòng sông và một Biển Hồ như mạch sống và trái tim của cả một đất nước Cam Bốt. (3)
THÁCH ĐỐ CỦA THẾ KỶ 21

Tất cả 6 nước ven sông với những định chế chánh trị xã hội và văn hóa khác nhau, nhưng cùng có chung một nhu cầu khẩn thiết là khai thác con sông Mekong để phát triển. Không phải là không có những mâu thuẫn quyền lợi và tranh chấp khi tới với nguồn nước và tài nguyên không phải là vô hạn của dòng sông.

Thực tế cho thấy dễ dàng để thỏa thuận với nhau trên một số nguyên tắc khái quát như sử dụng nước và các nguồn tài nguyên phải đáp ứng với nhu cầu bảo vệ, bảo tồn, thăng tiến môi sinh và duy trì cân bằng hệ sinh thái nhưng đi vào thực hiện với chi tiết còn cả một khoảng cách đại dương.

Chẳng hạn ai sẽ thực sự trách nhiệm duy trì dòng chảy tối thiểu của con sông Mekong trong mùa khô cũng như trong mùa lũ để có đủ nước từ con sông Mekong chảy ngược vào Biển Hồ, để nước mặn từ ngoài Biển Đông không tiếp tục lấn vào sâu và xa hơn nữa nơi ĐBSCL? Dĩ nhiên sẽ có những diễn dịch khác nhau và phản ứng hành động khác nhau theo hoàn cảnh của mỗi nước.

Nói gì đi nữa thì Bắc Kinh vẫn cứ đi thênh thang trên con đường đã vạch ra của họ. Bảo vệ môi trường nếu có được nhắc tới hơn một lần trong hội nghị chỉ như một khẩu hiệu, trong khi Trung Quốc vẫn không ngừng xây hàng loạt những con đập thủy điện khổng lồ trên dòng chính sông Mekong, đang gây rất nhiều quan ngại của các chuyên gia môi sinh đối với ảnh hưởng tác hại khó lường đối với nguồn nước nơi hạ nguồn.

Rồi nhìn về Việt Nam với hình ảnh ước lệ của hơn nửa thế kỷ trước về một Đồng Bằng Sông Cửu Long, với ruộng vườn thẳng cánh cò bay, tôm cá thì đầy đồng - thì nay tất cả đã đi vào quá khứ. Trên toàn cảnh thì cùng với Biển Hồ là một ĐBSCL đang suy thoái và cứ nghèo dần đi.

THIẾU LÃNH ĐẠO CÓ TẦM NHÌN XA

Điều bất hạnh cho các quốc gia đang phát triển trong Lưu vực Lớn Sông Mekong là đã không có được“những nhà lãnh đạo / statesman có được cái tâm và cả tầm nhìn xa” nhưng chúng ta lại có dư những nhà chính trị cơ hội: điển hình như ở Việt Nam và Cam Bốt. Họ luôn luôn có mẫu số chung là tham quyền cố vị, cai trị độc tài và tham nhũng. Mọi nguồn tài nguyên của đất nước thì bị họ khai thác cho cạn kiệt, bất kể các thế hệ tương lai sẽ phải trả giá ra sao.

Các con đập thủy điện trên sông Mekong, đã và đang tạo nên dư luận lo ngại không phải chỉ trong Lưu Vực mà còn lan rộng ra cả thế giới; vậy mà chỉ có riêng ông Thủ tướng Hun Sen đơn phương phủ nhận tất cả. Đó là điều đáng quan tâm vì đây là tiếng nói của một nguyên thủ quốc gia đầy quyền lực, có sức hấp dẫn quần chúng nhưng lại bất chấp dư luận và lý lẽ.

Vậy đâu là những điều cần làm: [1] Một chiến dịch báo chí / press campaign tập trung / khu trú vào những nhận định thiên lệch / misconceptions về ảnh hưởng các con đập thủy điện trên toàn hệ sinh thái con sông Mekong; [2] Một cuốn bạch thư white book và và sách đỏ / red book, ghi chú theo trình tự thời gian những bước suy thoái hiển nhiên của con sông Mekong và Biển Hồ từ ngày có những con đập thủy điện Trung Quốc.

Nhưng liệu tiếng nói nào đủ uy tín để đối trọng với cả một hệ thống quyền lực như vậy. Chắc chắn không phải từ một vài cá nhân mà phải từ một định chế / institution nơi quy tụ những chất xám nối kết bởi một “Tinh thần Sông Mekong”. Định chế ấy không gì khác hơn là từ một Phân Khoa Sông Mekong cho toàn Lưu Vực với Tây Đô sẽ là cái nôi nuôi dưỡng một Đại học có tham vọng vươn lên đẳng cấp Quốc tế. Để rồi ra, những tiếng nói của quyền lực mù quáng sẽ bị thuyết phục bởi sức mạnh của trí tuệ hoặc nếu không cũng sẽ bị cô lập.

NGÀY HỘI NƯỚC SẼ TRỞ THÀNH QUÁ KHỨ

Không biết từ bao lâu rồi, hàng năm, khi vừa hết Mùa Mưa, mực nước sông Mekong bắt đầu ổn định và con sông Tonlé Sap lại chảy xuôi dòng kéo theo vô số tôm cá từ Biển Hồ đổ vào các nhánh sông Mekong, xuống xa tới ĐBSCL. Đây cũng là thời điểm của Ngày Hội Nước Bon Om Tuk, được tính theo tuần trăng vào khoảng tháng 11 diễn ra trước Hoàng cung, khu mà người Pháp gọi là Quatre Bras /Chatomuk, nơi bốn nhánh sông Mekong hội tụ. Trong dịp lễ hội này, vua và hoàng hậu tới đây chung vui với thần dân, “Khai Mùa” cho ngư dân đánh cá, cho nông dân bắt đầu mùa gieo trồng.

Bon Om Tuk năm nay 2010, cũng được diễn ra vào ngày trăng tròn. Với hơn 2 triệu người từ thôn quê kéo về thủ đô dự lễ hội. Năm nay có thêm một địa điểm mới là đảo Kim Cương / Koh Pich, nằm không xa bờ sông Mekong. Tụ điểm du lịch này vừa được khánh thành, với cả một cây cầu mới qua đảo, gây háo hức cho người dân quê tỉnh xa đổ về. Ngày thứ ba, sau hội đua ghe, đám đông đã ùa lên cây cầu dẫn ra đảo, và đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp, với hậu quả là có 450 người chết và hơn 700 người khác bị thương, trong số đó có cả người Việt.

Ông Hun Sen đã mau mắn xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia lúc 3 giờ sáng, để trấn an dân chúng, với miêu tả vụ giẫm đạp là “thảm họa lớn nhất” ở Cam Bốt kể từ sau thời Khmer Đỏ. Và 25 tháng 11 sẽ là ngày quốc tang. Chúng ta không thể không xúc động và chia xẻ nỗi mất mát tang thương này với người dân Cam Bốt.

Tang tóc rồi cũng qua đi, để sang năm, sẽ vẫn có một ngày Bon Om Tuk khác, nhưng không biết còn kéo dài được bao lâu nữa, trong cái ý nghĩa đích thực ban đầu của Ngày Hội Nước, khi mà con sông Tonle Sap còn đủ nước để đổi dòng, trái tim Biển Hồ còn giữ được nhịp đập nhưng nay đã là một Biển Hồ không còn khỏe mạnh, điều mà những ngư dân và nông dân Cam Bốt biết rất rõ, do lượng cá và lúa thì càng ngày càng “thất thu”.

Với nhãn quan của các nhà hoạt động môi sinh, thì sẽ có một ngày “thảm họa môi sinh lớn nhất / greatest ecological catastrophe” đến với đất nước Cam Bốt, là khi trái tim Biển Hồ ngưng đập; với cái chết chậm nhưng chắc chắn ấy của Biển Hồ thì tên tuổi ông Hun Sen không phải là hoàn toàn vô can.

Tưởng cũng cần nên ghi lại nơi đây những sự kiện phải nói là bi quan, liên hệ tới Biển Hồ, sông Tonle sap và con sông Mekong ngay trong thập niên đầu của thế kỷ 21:

Trên trang web World Wide Fund for Nature, đã ghi nhận: mực nước con sông Mekong tụt thấp xuống tới mức báo động kể từ 2004 và trở thành những hàng tin trang nhất trên báo chí. “Trung Quốc làm kiệt mạch sống sông Mekong_ New Scientist”; “Sông Mekong cạn dòng vì các con đập Trung Quốc_ Reuters AlertNet”; “Xây đập và con sông chết dần_ The Guardian”; “Sông cạn do các con đập Trung Quốc_ Bangkok Post”. Hầu hết đều mạnh mẽ quy trách cho việc xây các con đập thủy điện của Trung Quốc trên khúc sông thượng nguồn.

…Theo Fred Pearce, tác giả cuốn sách “Khi Những Con Sông Cạn Dòng, Nước – Khủng Hoảng của Thế Kỷ 21” xuất bản 2006, trong chương viết về con sông Mekong, đã có ghi nhận:

... “Cuối năm 2003 và đầu năm 2004 là thời gian tuyệt vọng trên Biển Hồ. Cơn lũ mùa Hè thấp hơn. Thời điểm con sông Tonle Sap chảy ngược vào Biển Hồ đến trễ hơn và cũng chấm dứt sớm hơn. Thay vì 5 tháng con sông đổi dòng nay chỉ còn có 3 tháng. Rừng lũ thiếu ngập lũ và cá thì không đủ thời gian để tăng trưởng... Và mùa thu hoạch cá chưa bao giờ thấp như vậy. Tại sao? Đa số ngư dân đổ tại con sông cạn dòng. Khi con nước cạn trước Hoàng cung, thì sẽ không có cá dưới sông.” (10)

… Và cũng chỉ mới đây thôi, vào tháng 05/2009, Chương Trình Môi Sinh Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng cảnh báo rằng “chuỗi đập Vân Nam” là “mối đe dọa duy nhất – lớn nhất / the single greatest threat” đối với tương lai và sự phồn vinh của con sông Mekong, sẽ giết chết nhịp đập thiên nhiên của dòng sông vốn như một kỳ quan của thế giới.

Aviva Imhoff , giám đốc truyền thông Mạng Lưới Sông Quốc Tế / IRN, đưa ra nhận định: Trung Quốc đang hành xử một cách hết sức vô trách nhiệm. Chuỗi đập Vân Nam sẽ gây ra những tác hại vô lường nơi hạ lưu, gây rối loạn toàn hệ sinh thái con sông Mekong xa xuống tới Biển Hồ, nó như một chuông báo tử cho ngư nghiệp và nguồn cá vốn là thực phẩm của ngót 70 triệu cư dân sống ven sông. (12)

Không ai tin rằng, ông Thủ tướng Hun Sen lại có thể không biết tới “Hồi Chuông báo T” ấy, ông Hun Sen đã cố tình không muốn biết do nhu cầu chính trị ngắn hạn trong thời gian cầm quyền. Nhưng rồi ra, cái giá rất cao phải trả sẽ là tương lai của dân tộc Cam Bốt và cả nền văn minh xứ Chùa Tháp. Đã có những dấu hiệu sớm nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long đang phải hứng chịu những cơn đau thắt ngực dẫn xuống từ trái tim Biển Hồ thiếu nước.

NGÔ THẾ VINH
California, 12/01/2010

PHÁ GHỀNH THÁC/ MỞ RỘNG LÒNG SÔNG/ HỦY HOẠI SINH CẢNH: NGUỒN CÁ SÔNG MEKONG ĐANG CHẾT DẦN
Nói về những bước suy thoái của sông Mekong, người ta liên hệ ngay tới chuỗi 14 con đập thủy điện bậc thềm Vân Nam và sắp tới đây là 11 con đập hạ lưu. Nhưng không thể không kể tới những bước hủy hoại môi sinh khác đã và đang diễn ra trong toàn lưu vực sông Mekong như: đổi dòng lấy nước; phá rừng bừa bãi; dùng chất nổ tàn phá chỉ để mở rộng khai thông lòng sông cho các con tàu lớn Trung Quốc dễ dàng đi xuống phương nam. Bài viết của nhà văn Ngô Thế Vinh trong số báo này chủ yếu đề cập tới Dự án Phá đá trên 21 khúc ghềnh thác của sông Mekong. Để thấy rằng đó là một dự án liều lĩnh, tắc trách và cả vô trách nhiệm, đã khiến tờ báo Watershed số tháng 11/ 2002 phải đưa ra nhận định: “Họ chỉ căn cứ trên có hai ngày khảo sát thực địa...rồi đi tới kết luận rằng Dự án Phá đá khai thông ghềnh thác sẽ không có ảnh hưởng dài hạn nào trên nguồn cá và ngư nghiệp của cư dân sống hai bên bờ sông Mekong... Bằng chứng là đã không có sự lượng giá thực sự về những tiềm năng ảnh hưởng này.” Trước mắt thì quốc gia hưởng lợi nhất từ dự án này vẫn là Trung Quốc nhưng với cái giá rất đắt về môi sinh phải trả là 5 nước vùng Hạ lưu sông Mekong.


DỰ ÁN CẢI THIỆN THỦY LỘ THƯỢNG NGUỒN SÔNG MEKONG

Kế hoạch chính thức có tên là “Dự Án Cải Thiện Thủy Lộ Thượng Nguồn Sông Mekong / Navigation Channel Improvement Project on the Upper Mekong River” nhưng với cư dân địa phương thì đơn giản được gọi là: “Dự án phá ghềnh thác sông Mekong / Mekong rapids blasting project”.

Đây là dự án táo bạo dùng chất nổ / dynamite để phá những khối đá trên khúc sông Mekong chảy qua 21 đoạn ghềnh thác, với các cù lao và cồn bãi /shoals cùng với kế hoạch nạo vét để khai thông và mở rộng lòng sông Mekong từ Vân Nam xuống tới Miến Điện, Thái Lan và Lào.
Mục đích chính là giúp cho những con tàu trọng tải từ 500 tới 700 tấn chở đầy hàng hóa có thể dễ dàng di chuyển từ giang cảng Tư Mao / Simao Vân Nam Trung Quốc xuống Chiang Khong, Chang Sean Thái Lan tới tận Luang Prabang và Vạn Tượng thủ đô nước Lào. Sau đó cũng chính những con tàu ấy sẽ chở đầy nguyên vật liệu và cả dầu thô đi ngược dòng sông Mekong lên Vân Nam.

Dự án đã được ký kết vào tháng 04 năm 2001 giữa 4 nước Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan và Lào và công trình này sẽ do mỗi nước tự thực hiện trên khúc sông chảy qua lãnh thổ mình. Điều đáng nói là Cam Bốt và Việt Nam là hai quốc gia cuối nguồn sẽ trực tiếp và lâu dài chịu ảnh hưởng do dự án ấy thì hoàn toàn không được đếm xỉa tới.

Với ngân khoản tài trợ chủ yếu là từ Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB/ Asian Development Bank) cho Chương Trình Hợp Tác Kinh Tế Lưu Vực Lớn Sông Mekong (Greater Mekong Subregion / GMS), và kế hoạch Phá đá / Phá ghềnh thác là một phần trong Chương trình mở “Hành lang Kinh tế Bắc-Nam Lưu Vực Lớn Sông Mekong / GMS North-South Economic Corridor Flagship Program” đã được chuẩn thuận trong Hội nghị Thượng đỉnh GMS tại Nam Vang vào ngày 3 tháng 11, 2002.

Theo mô hình Dự án thì có hàng trăm ngàn tấn đá sau khi bị chất nổ phá vỡ từ các đoạn ghềnh thác sẽ được các con tàu vét / backhoe dồn xuống những hố sâu dưới lòng sông – mà ai cũng biết “những vũng sâu này là nơi trú ẩn có tầm quan trọng sống còn đối với vô số loài cá trong suốt mùa Khô” và cũng là nơi lưới cá của cư dân địa phương. Lấp hết các vũng sông sâu này bằng những khối đá vụn sẽ gây ảnh hưởng hủy diệt ra sao trên cá và đời sống của ngư dân là điều không được Nhóm Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh (EIA/ Environmental Impact Assessment) quan tâm tới.

Từ một con sông Mekong vốn được coi là khá nguyên vẹn, ít bị tận dụng khai thác so với các con sông khác của thế giới, nay ngoài ảnh hưởng của một chuỗi những con đập thủy điện khổng lồ Vân Nam không ngừng xây thêm, cũng vẫn Trung Quốc đã lại có thêm kế hoạch phá đá, phá các khúc sông ghềnh thác, dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng trên sự cân bằng thủy học, khiến dòng nước sẽ chảy nhanh và siết hơn, gây sụp lở bờ sông cùng phá hủy các loại hoa màu trồng ven sông.

Vào tháng Tư năm 2002, Phân bộ Ngư nghiệp Ủy hội Sông Mekong / MRC (gồm 4 nước hạ lưu Thái Lan Lào Cam Bốt và Việt Nam, riêng Trung Quốc thì từ chối tham gia) đã phổ biến một tài liệu nhan đề: “Vũng sâu là sinh cảnh / habitats của cá trong Lưu vực sông Mekong trong mùa Khô.” Theo tài liệu này thì người ta tin rằng giống cá Pla beuk, loại cá bông lau khổng lồ _ Pangasianodon gigas sống dưới những vũng sâu của sông Mekong trong mùa Khô. Ngư dân Lào tỉnh Xayabouri cho biết nơi vũng sâu gần ngôi làng Bang Muangliap là nơi sinh sống của giống cá Pla beuk trong mùa Khô.” Cả ngư dân tỉnh Bokeo gần ngã ba biên giới Thái Lào Miến Điện cũng tin rằng những con cá Pla beuk rất hiếm hoi mà họ đánh được là từ Xayabouri.” [H.1]
Kế hoạch phá đá không chỉ là mối nguy cơ diệt chủng đối với cá Pla beuk hiếm quý, mà còn hủy hoại sinh cảnh, hủy diệt rộng rãi các loài cá khác và ngư nghiệp không chỉ giới hạn ở khúc sông thượng nguồn mà còn có ảnh hưởng “tiêu cực dây chuyền” trên nguồn cá vốn rất phong phú của Biển Hồ và hai con sông Tiền sông Hậu và toàn hệ thống kinh rạch nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long.


THIẾU NGHIÊN CỨU TÍNH KHẢ THI CỦA DỰ ÁN

Từ Bangkok, chỉ vài tuần lễ sau ngày thành lập, Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên và Môi Trường (MNRE/ Ministry of Natural Resources and Environment) Thái Lan đã vội vàng can dự vào một dự án gây rất nhiều tranh cãi và cũng rất thiếu sót. Theo tường trình của tập san Watershed, cơ quan ngôn luận lâu năm của tổ chức TERRA [Towards Ecological Recovery and Regional Alliance] (7) thì vào giữa tháng 11 năm 2001 giám đốc Trung Tâm Phòng Chống Khủng Hoảng Nước thuộc MNRE là Sophat Tovichakchaikul đã công bố “Dự án phá ghềnh thác sông Mekong” sẽ được triển khai do kết quả Lượng giá Ảnh hưởng Môi sinh (EIA) được xem là không đáng kể.
Trên thực tế thì nhóm nghiên cứu EIA này “CHỈ TRONG HAI NGÀY 18 và 29 tháng 4, họ tới thăm chớp nhoáng vài đoạn sông thượng nguồn gồm 10 ghềnh thác và một cồn gọi là để ‘thu thập các dữ kiện thủy học’ để rồi đi ngay tới kết luận là Dự án Phá Đá sẽ không gây một tác hại dài hạn nào trên cá và nền ngư nghiệp của cư dân sống dọc theo hai bên sông. Có thể nói đây là một lượng giá rất tắc trách thiếu tính nghiên cứu và thiếu sự hiểu biết nhất về toàn hệ sinh thái của con sông Mekong.

Theo tiến sĩ Chris Cocklin và Monique Hain thuộc Viện Môi Trường Monash (Đại Học Monash Úc), thì Lượng Giá Ảnh Hưởng Môi Sinh của Dự án Cải thiện Thủy lộ Thượng nguồn sông Mekong “thực chất là thiếu sót / substantively inadequate” và nhiều điểm “cơ bản là sai trái / fundamentally flawed.” (4)

_ THIẾU SÓT vì không dựa trên đánh giá toàn thể và không có phần lượng định ảnh hưởng dài hạn của dự án mà phần tối quan trọng là ảnh hưởng trên hệ thủy học / hydrology, hệ sinh thái / ecology của con sông và cả ảnh hưởng do gia tăng số lượng tàu bè lưu thông trên dòng sông ấy.

Một ví dụ về hệ quả dây chuyền do cải thiện thủy lộ, sẽ đưa tới gia tăng trao đổi hàng hóa, tạo thuận cho kỹ nghệ phát triển và hậu quả là gây thêm ô nhiễm. Ảnh hưởng dài hạn ấy ra sao với sức khỏe của cư dân các quốc gia cuối nguồn là hoàn toàn không được quan tâm tới.

_ SAI TRÁI trái vì các phân tích chỉ dựa trên sự phỏng đoán / speculation, với kết luận chủ quan và hoàn toàn thiếu những bước nghiên cứu có thực chất để rồi vẫn đi tới khẳng định là: “Dự án sẽ có ảnh hưởng tích cực về kinh tế trong các bước phát triển bền vững của Lưu vực sông Mekong / Lancang – Mekong River drainaige area.” Đó chỉ là một kết luận vu vơ mà không đưa ra được các dữ kiện hay phân tích thuyết phục nào.

Giáo sư R.M. McDowall, thuộc Viện Quốc Gia Nghiên Cứu Nước và Không khí Tân Tây Lan cũng đưa ra nhận định nghiêm khắc: “Đọc tường trình EIA rõ ràng là không cho thấy có chút cố gắng nào để xác định những ảnh hưởng trên nguồn cá và hệ sinh thái do kế hoạch mở rộng lòng sông. Nói một cách đơn giản, lượng giá EIA là hoàn toàn thiếu sót.” (7)

HẬU QUẢ NHÃN TIỀN NGAY TỪ BƯỚC ĐẦU TRIỂN KHAI

Ngay ở giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch khai thông thủy lộ sông Mekong, hậu quả tức thời là đã có một số tác hại môi sinh giáng ngay trên đầu các cư dân sống trong lưu vực. Ngay trong Mùa Mưa năm 2002, tại quận Chiang Khong tỉnh Chang Rai Thái Lan có nhiều khúc bờ sông vốn bền vững trong bao năm, nay bị sụp lở . Chỉ riêng làng Pak Ing đã mất đi một mẫu đất do nạn xói mòn này. Ba ngôi làng kế cận cũng mất 9 mẫu đất cùng với nhiều căn nhà bị trôi xuống sông. Phía tả ngạn bên Lào, hơn 100 gia đình thuộc làng Don Sawan tỉnh Bokeo phải di tản vì nguy cơ sụp lở càng lan rộng. Niwat Roykaek thuộc Nhóm Bảo Tồn tỉnh Chiang Khong nhận định: “Dân trong vùng sống bằng cá lưới từ sông Mekong và cả sống bằng hoa màu trồng dọc theo hai bên bờ sông ấy. Con sông là mạch sống của họ nên cần phải khảo sát thật kỹ càng trước khi khai thác nó.” (6)

Các nhà hoạt động môi sinh thuộc các bang bắc Miến Điện đã yêu cầu ngưng ngay kế hoạch phá đá trên khúc sông Mekong dài 234 km chảy dọc theo biên giới phía đông bắc Miến vì khúc sông này vốn là nguồn sống của các sắc tộc Lahu, Shan, Loi La và En. (2) Và cho dù đang phải sống dưới chế độ Độc tài Quân phiệt Miến, cũng đã có 52 tổ chức phi chính phủ [NGO/ Non Governmental Organizations] lên tiếng phản đối Dự án Phá Ghềnh Thác sông Mekong do những tác hại không thể chấp nhận được đối với ngư nghiệp, hệ sinh thái của con sông như một toàn thể và ảnh hưởng trên cư dân sống dọc con sông. Người dân Miến Điện sống trong lưu vực đòi hỏi phải được có ý kiến và có quyền tham dự vào quyết định liên quan tới đất đai và nguồn tài nguyên thiên nhiên như mạch sống của họ. Họ yêu cầu phải ngưng ngay dự án phá đá khai thông mở rộng dòng sông cho tới khi nào hoàn tất được các bước lượng giá đúng mức về “hậu quả môi sinh và xã hội” trên các cộng đồng cư dân sống trong lưu vực(3). Giữa hai tháng 03 và 04, 2002 hai khúc ghềnh đá Tang Ao và Tang Luang đã bị triệt hạ và dân chúng Miến Điện sống trong khu vực thì hoàn toàn không được thông báo. Họ chỉ được biết khi thấy vô số cá bị chết, nồi dềnh, trôi giạt và thối rữa không còn ăn được. Ngoài cá, dân địa phương còn sống bằng nguồn lợi tức của rong tảo (riverweed / kai) mọc trên các ghềnh đá và nay thì cũng không còn nữa. Vẫn theo kế hoạch trên, thì sẽ có thêm 16 đoạn ghềnh thác nữa thuộc khu vực bang Shan Bắc Miến Điện và Lào sẽ bị phá hủy vào đầu năm tới. (2)

Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây một khía cạnh khá mỉa mai là không phải do chính quyền Hà Nội hay Nam Vang, nhưng chính mấy chục tổ chức nhỏ bé của cư dân Miến Điện chưa có tự do ấy lại lên tiếng đòi hỏi quyền sống cho hai nước láng giềng rất xa họ: họ đòi hỏi rằng “Kế hoạch phải có được sự đồng thuận của tất cả các quốc gia nơi có con sông Mekong chảy qua bao gồm cả Cam Bốt và Việt Nam”.


TÁC HẠI TẦM XA TRÊN CAM BỐT VÀ VIỆT NAM

Dự án phá đá, phá các khúc ghềnh thác có những hậu quả tích cực và tiêu cực ra sao trước hết là đối với 4 quốc gia thượng nguồn (Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan và Lào) rồi sau đó là 2 nước hạ nguồn (Cam Bốt và Việt Nam) là những vấn nạn chưa có lời giải đáp.

_ ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC: do cải thiện giao thông đường sông không chỉ giúp gia tăng trao đổi hàng hóa mà còn tạo thuận cho việc khai thác các nguồn tài nguyên (về rừng về hầm mỏ) và cả mở mang du lịch góp phần phát triển kinh tế trong lưu vực. “Nhưng câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là những lợi lộc kinh tế ấy (và cả cái giá phải trả) sẽ được phân phối ra sao đối với các quốc gia trong lưu vực?” (4) Trước mắt thì quốc gia hưởng lợi nhất vẫn là Trung Quốc : hàng hóa Trung quốc sẽ tràn ngập đổ xuống các tiểu quốc phương Nam, cũng những con tàu 700 tấn ấy sẽ chuyên trở về Trung Quốc những tài nguyên thiên nhiên từ Miến Điện Lào Thái Lan để phục vụ cho nền kỹ nghệ đang rất phát triển do có thêm dồi dào nguồn thủy điện từ những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam cũng từ nguồn nước con sông Mekong.

_ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC: Trung Quốc là nước cao nhất trên thượng nguồn sẽ rất ít bị ảnh hưởng do kế hoạch phá đá, phá các khúc ghềnh thác trên sông Mekong. Nhưng kế hoạch đó đã có tác hại ngay trước mắt trên sinh cảnh và đời sống cư dân của các nước hạ nguồn như Miến Điện, Thái Lan và Lào, dĩ nhiên còn có ảnh hưởng dây chuyền trên đời sống cư dân của hai nước ở dưới xa là Cam Bốt và Việt Nam. Sự thay đổi đột ngột nhịp độ dòng chảy thiên nhiên của con sông Mekong gây hậu quả xói mòn và cả sụp lở bờ sông, hủy diệt nguồn cá như nguồn protein chính của cư dân sống trong lưu vực. Đứng trước những tai ương có thể xảy ra, đến bao giờ thì người dân Việt Nam và Cam Bốt mới được thông báo một cách đầy đủ và cả quyền được tham gia ý kiến ?

NHỮNG ĐỢT THẢ CÁ GIỐNG TRÊN SÔNG MEKONG

Tháng 12 năm 2000, trong chuyến đi thăm khúc sông Mekong trên đất Lào, đến thăm đập Nam Ngum, con đập thủy điện đầu tiên trên phụ lưu sông Mekong, được hoàn tất năm 1972, rất sớm và ngay giữa cuộc chiến tranh Việt Nam. Đập Nam Ngum trải rộng trên 250 km2, lớn hơn 1/3 diện tích đảo quốc Singapore. Cá trên sông Nam Ngum và trong hồ chứa là nguồn protein của nhiều ngàn cư dân sống quanh vùng, nhưng cá thì ngày càng ít đi, khiến cho công chúa Chakri Sirindhorn từ Thái Lan đã tới hồ làm lễ thả cá giống Pla beuk, loại cá catfish rất lớn chỉ có trên sông Mekong. Nhưng cho đến những năm sau, hình như chưa ngư dân Lào nào lưới được một con cá Pla beuk trong hồ. Do là loại cá của sông sâu với dòng chảy, nay đem thả vào một sinh cảnh hoàn toàn khác, liệu có được bao nhiêu con cá Pla Beuk trong số đó còn sống sót.

Ngày 29 tháng 06 năm 2005, Thủ tướng Hunsen đã tới dự buổi lễ thả cá giống vào một hồ ở phía đông Cam Bốt; ông đã tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong của Trung Quốc, theo ông sẽ chẳng có vấn đề gì phải quan tâm. Ông Hunsen đã công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, gần như vô điều kiện đối với kế hoạch khai thác sông Mekong, cho dù điều ấy đi ngược lại ý kiến quan ngại gần như báo động của các chuyên gia bảo về môi sinh [AFP, 6/29/05]. Chỉ vì sự thiển cận và chút quyền lợi rất ngắn hạn [Bắc Kinh cho Nam Vang vay 30 triệu Mỹ kim, cộng thêm với 70 triệu Mỹ kim nữa để cải thiện hệ thống quốc lộ], Hunsen đã dễ dàng hy sinh một dòng sông và một Biển Hồ như mạch sống và trái tim của đất nước Cam Bốt. Ai cũng biết rằng trái tim Biển Hồ chỉ còn đập khi sông Mekong còn đủ nước chảy ngược vào Biển Hồ trong mùa lũ, như một bảo đảm cho nguồn cá và vựa lúa của người dân xứ Chùa Tháp. Và chưa hề có bảo đảm nào cho một tương lai như vậy. (9)

Ngày 22 tháng 04 năm 2009: trong chương trình gây cá giống của hai nước Lào Thái với sự hợp tác của Ủy Hội Sông Mekong, 200,000 cá giống – loại cá chép vàng đã được thả xuống sông Mekong trong nỗ lực bảo tồn những giống cá lớn đang có nguy cơ bị diệt chủng như: [a] cá Pla beuk [Mekong Giant Catfish/ Pangasianodon gigas], [b] cá ngát khổng lồ [Giant Barb] [c] cá chép vàng [Julien’s Golden Carp/ Probarbus jullieni]. Giống cá chép vàng này, tăng trưởng nhanh mỗi con có thể lớn tới 70kg và dài hơn 1.65m. Trong buổi lễ thả cá phía tả ngạn bên Lào, Chủ tịch Ủy Hội Sông Mekong Jeremy Bird đã phát biểu: “Cá là nguồn protein hết sức quan trọng cho cư dân sống dọc theo ven sông. Cho thả cá giống vào hệ thống sông rạch sẽ giúp bảo tồn những chủng loại cá đang bị lâm nguy, với ý hướng bảo vệ sự “đa dạng sinh học dưới nước / aquatic biodiversity”, bảo đảm nguồn cá hôm nay và cho các thế hệ tương lai.

Sáng kiến thả cá giống có bước khởi đầu từ Bộ Ngư nghiệp Thái Lan. Kỹ thuật gây giống cá chép vàng này bắt đầu từ năm 2000 và đã được thử nghiệm từ nhiều nơi trong lưu vực. Đây là một trong những giống cá chép nước ngọt lớn trong vùng Đông Nam Á và cũng là loại di ngư bơi rất xa lên thượng nguồn, từ Kompong Cham Cam Bốt tới Chiang Khong đông bắc Thái Lan, lên xa tới tận Nam Tha bắc Lào để đẻ trứng. (8) Rồi không thể không nghĩ ngay tới Dự án 11 con đập hạ lưu khi hoàn thành sẽ là “những nút chặn triệt sản” đối với các đoàn di ngư này.

Rõ ràng khó còn “những vùng sinh cảnh/ habitats, có thể sống được” trên sông Mekong cho các loài cá, các loài động vật dưới nước nói chung. Khi mà hậu quả của kế hoạch phá đá, phá những khúc sông ghềnh thác đã làm thay đổi đột ngột nhịp độ dòng chảy thiên nhiên của con sông Mekong gây hậu quả xói mòn và cả sụp lở bờ sông, “ngưỡng tử vong” của sinh cảnh ấy sẽ không xa, sẽ hủy diệt nguồn cá – giết luôn cả hàng trăm ngàn những con cá nhỏ mong manh liên tục được thả xuống sông với hy vọng duy trì nguồn protein cho cư dân sống trong lưu vực; bởi vì nhiều giống cá cần các khúc ghềnh thác và vũng sâu để làm tổ và một chủng loại như cá Pla beuk, cá chép vàng… là loại di ngư cần bơi ngược dòng lên khúc sông thượng nguồn để đẻ trứng.

Rồi phải kể đến sự thay đổi phẩm chất nước của con sông Mekong không phải chỉ với cá, mà cũng là nguồn nước uống của cư dân ven sông, nếu cứ càng ngày càng ô nhiễm do đô thị hóa kỹ nghệ hóa sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và gây bệnh tật trên con người ra sao?

Riêng với Việt Nam, ai cũng biết nguồn cá nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long trước 1975 phong phú là thế nào thì nay đã cạn kiệt, lại thêm nguồn cá ngoài đại dương gần đây cũng bị sút giảm nghiêm trọng do sự khống chế của Trung Quốc đối với các đoàn tàu đánh cá của Việt Nam ngoài Biển Đông, và nay chỉ còn trông vào nguồn cá kỹ nghệ cá nuôi, cá lồng. Và hình như cũng chưa nghe có một kế hoạch thả cá giống nào như các quốc gia Thái, Lào, Cam Bốt xuống hệ thống sông rạch của ĐBSCL, không biết lý do tại sao?

SÔNG MEKONG ĐANG CHẾT DẦN

Người dân Việt Nam trong nước nói chung, và cư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long nói riêng, rất ít được thông tin về các bước khai thác hủy hoại con sông Mekong trên thượng nguồn. Tin tức báo chí Việt Nam vẫn đề cập tới các tai nạn xụp lở gia tăng nơi hai bờ sông Tiền sông Hậu nơi ĐBSCL, nhưng có lẽ rất ít ai biết tới kế hoạch phá đá phá ghềnh thác mở rộng lòng sông của Trung Quốc cùng với ảnh hưởng xa nơi hạ nguồn ra sao. Điều ấy một lần nữa nói lên sự cần thiết về một Phân Khoa Sông Mekong cho Đại Học Cần Thơ như một “think tank”, một ngọn hải đăng dẫn đường cho ĐBSCL.

Sau sự kiện kết nghĩa giữa hai dòng sông Mekong và Mississippi vào tháng 07, 2009, qua thư trao đổi giữa tác giả bài viết này và Chủ tịch Ủy Hội Sông Mississippi / Trung Tướng Walsh, ông cho biết vào ngày 20 tháng 08, 2009 vừa qua, Ủy Hội Sông Mississippi đã ký một văn bản có tên là: America’s Watershed: A 200-year Vision / An Intergenerational Commitment [Viễn Kiến 200 năm cho Lưu Vực Sông Hoa Kỳ, Một Cam-Kết-Liên-Thế-Hệ]. Rồi nhìn lại Việt Nam, nếu chúng ta không có được viễn kiến 200 năm thì ít ra cũng cần có tầm nhìn xa 100 năm cho con sông Mekong và ĐBSCL.

Đã có ý kiến cho rằng, việc thiết lập Phân khoa Sông Mekong nơi Đại học Cần Thơ là một công việc rất khó khăn, nhưng làm sao mà không khó khi phải đi tìm câu trả lời cho vấn nạn: làm thế nào để “phát triển bền vững” nhưng vẫn bảo vệ được nguồn tài nguyên con sông Mekong và ĐBSCL cho các thế hệ mai sau. “Bước đầu là khó: nhưng cuộc hành trình ngàn dặm bao giờ cũng phải khởi đầu bằng một bước đầu tiên”. Hầu như chúng ta ai cũng đã từng nghe câu châm ngôn ấy.

Với kỹ thuật cao của thế kỷ 21, với lòng tham vô hạn của con người, chẳng khó khăn gì để giết chết một dòng sông, hủy diệt cả một hệ sinh thái phong phú nhưng cũng rất là mong manh của hành tinh này. Trong một tương lai không xa, con “Sông Danube của Châu Á” ấy sẽ chỉ còn là một con sông chết, chỉ để sản xuất thủy điện và dùng làm thủy lộ giao thông và có thể tệ hại hơn nữa còn là cống rãnh để đổ xuống các chất phế thải kỹ nghệ từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

NGÔ THẾ VINH

Nam Ngum 02/ 2003 – California 09/ 2009
208 loài động vật và cây cỏ mới vừa được xác định tại vùng sông Mekong ở Đông Nam Á trong năm ngoái. Những sinh vật mới này được nhấn mạnh trong một bản phúc trình của tổ chức WWF - Quỹ động vật hoang dã. Họ cảnh báo rằng khu vực này đang bị đe dọa do tình trạng phát triển nhanh.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/english/2011/12/111216_witn_elt_new_species.shtml